Việc thu hồi đất diễn ra tràn lan trong khi việc quản lí còn nhiều "lỗ hổng" đã nảy sinh bất cập về kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có những thay đổi thích hợp trong thời gian tới. Petrotimes trao đổi với TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Việt Nam xung quanh vấn đề "nóng" này.

TS Đỗ Đức Định.

Petrotimes: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về tình hình thu hồi đất phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua?

TS Đỗ Đức Định: Việc thu hồi đất đai để phục vụ các dự án kinh tế-xã hội thời gian qua đã diễn ra một cách tràn lan, nảy sinh nhiều bất cập. Theo quy định hiện nay, mức đền bù trả cho người dân không dựa vào thỏa thuận với nhà đầu tư nên mức giá chưa sát với giá trị thực sự của mảnh đất, thậm chí thường thấp hơn nhiều giá trị thực. Vấn đề này cần phải được xem xét lại cho hợp lí khi sửa đổi Luật Đất đai.

Điều này đã đẩy người dân mất đất vào hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư và tạo cơ hội tham nhũng cho một số quan chức. Chẳng hạn thu hồi đất của dân để giao cho một doanh nghiệp làm dự án. Sau khi đầu tư một chút tiền làm đường sá, họ lại phân lô để bán ngay cho những người khác với giá rất cao, gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần mức giá trả cho người dân bị thu hồi đất. Hậu quả là trên lí thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, có trường hợp đất đai đang thuộc “sở hữu” của một nhóm lợi ích.

Bất cập này còn khiến người lao động không có đất sản xuất, gây ra những cuộc khiếu kiện kéo dài. Theo thống kê của cơ quan Nhà nước, có tới 70% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai. Nếu không thay đổi, thực tế này sẽ còn tiếp diễn.

Petrotimes: Mặc dù thu hồi với giá thấp hơn, nhưng sau khi thu hồi, nhiều chủ đầu tư không tiến hành dự án mà để hoang hóa, mặc cho cỏ mọc hoặc thành nơi chăn bò. Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi trong việc thu hồi đất, thưa ông?

TS Đỗ Đức Định: Đó là điều hoàn toàn đúng. Trong phát triển công nghiệp và đô thị, nhiều dự án phát triển các khu dự án mới được mở ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhưng tỉ lệ lấp đầy thấp, hiệu quả sử dụng lãng phí. Tình trạng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng chậm sử dụng, hoặc không đưa vào sử dụng diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Điều này gây ra một sự lãng phí rất lớn và lãng phí đất đai đang là trở ngại đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ ở Hà Nội, trong khi nhiều người dân không có nhà ở do quỹ đất hạn hẹp, giá đất quá cao, thì rất nhiều dự án “treo” ngự trị tại những vị trí đất "vàng" ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Đông… Đây là một điều bất cập cần giải quyết trong thời gian tới.

Petrotimes: Việc thu hồi đất thường đi kèm với lời hứa tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực thu hồi đất. Vậy theo đánh giá của ông, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất đã được thực hiện tốt?

TS Đỗ Đức Định: Vấn đề bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân vẫn là những vấn đề phức tạp nhất. Việc chuyển đổi đất đai được tiến hành một cách ồ ạt đã gây ra tác dụng phụ quá lớn. Một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích chủ yếu phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung, sân golf….

Mất đất, mất nghề đã làm ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng ngày của người dân, nhất là người nông dân. Không ít người đã phải tha hương để kiếm sống và họ phải đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh. Vừa qua khi thu hồi đất, chủ đầu tư thường hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho người bị thu hồi. Thế nhưng thực tế người ta chỉ thu hồi đất mà không thực hiện lời hứa.

Nhiều dự án thu hồi đất rồi bỏ hoang, trong khi người dân thiếu đất ở, đất canh tác

Petrotimes: Liên quan đến việc thu hồi đất, khoản 3 điều 58 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này rất dễ bị lạm dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Đỗ Đức Định: Hiến pháp không nên sử dụng những cụm từ nhỏ nhặt như là "thu hồi" cho "dự án phát triển kinh tế - xã hội". Hiến pháp là của quốc gia, từ ngữ được sử dụng phải chuẩn mực, xứng tầm. Việc thu hồi đất phục vụ những công trình an ninh quốc phòng là lợi ích quốc gia, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Nhưng nếu giao cho DN nào đó để xây khu du lịch rồi lấy tiền Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, đến lúc lợi nhuận bỏ túi cá nhân thì rõ ràng đất đai đã thuộc về một nhóm lợi ích.

Dự thảo Hiến pháp đưa ra việc thu hồi đất của đối tượng này trao cho cá nhân, tổ chức khác là phải cân nhắc lại. Bản thân từ “thu hồi” đi ngược lại quyền tài sản của người sử dụng đất. Với các dự án phục vụ chủ đầu tư, Nhà nước nên có cơ chế để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, mua bán sòng phẳng. Giá bồi thường nên được xác định bởi các nhà định giá đất độc lập hoặc bằng thỏa thuận trực tiếp với người dân.

Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường không có khái niệm thu hồi. Hiến pháp không phải là một khẩu hiệu, không phải một bài diễn văn, càng không phải một bài văn chương. Hiến pháp phải có ý nghĩa khẳng định về quyền lợi của dân. Trong tất cả các loại hàng hóa, tài sản, đất đai là hàng hóa số một, phải thực hiện mua bán. Không thể thu hồi của người này để chia cho người kia để họ bán với giá "trên trời".

Xin cảm ơn ông!

Bằng Lăng (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.