Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố danh sách 53 dự án sử dụng đất có sai phạm, trong số đó có 2 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập hồ sơ thu hồi đất; 2 dự án đã có kết luận của thanh tra và tiếp tục trình UBND TP Hà Nội chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất.

Câu chuyện thu hồi đất những dự án vi phạm, bỏ hoang không sử dụng… thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó hạn chế sự lãng phí, đồng thời thể hiện kỷ cương pháp luật. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.

Việc thu hồi dự án chậm triển khai nhằm sử dụng đất hiệu quả, đúng quy định. Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều dự án bị thu hồi đất

Theo danh sách do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố, dự án bị thu hồi đất là "Cơ sở sản xuất kinh doanh" của Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương tại Phú Đa, Đức Thượng, Hoài Đức, với diện tích hơn 32.490m2. Dự án đang lập hồ sơ thu hồi do vi phạm là Khu dịch vụ thương mại xã Mỹ Đình do UBND phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 10.224m2, được thành phố giao đất từ năm 2002, đã có Kết luận Thanh tra số 1208/KL-STNMT-TTr ngày 2-7-2014. Hai dự án cũng đã có kết luận thanh tra, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trình UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất là Trường Trung cấp nghề Sơn Tây do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Đại Dương làm chủ đầu tư, diện tích 60.000m2 và dự án Tháp BIDV Diamond do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm chủ đầu tư, diện tích 3.344m2, nằm trên địa bàn hai phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) và Dịch Vọng (Cầu Giấy). Đáng chú ý, dự án Tháp BIDV Diamond đã từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị thu hồi nhưng chưa thực hiện. Lần này, sau khi có kết luận thanh tra, Sở tiếp tục trình UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ.

Ngoài 4 dự án trên, 49 dự án còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị gia hạn để chủ đầu tư khắc phục vi phạm, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, khởi công công trình, đưa đất vào sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Trong số đó, có 13 dự án chậm đưa vào sử dụng từ 12 đến 41 tháng; 8 dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ 12 đến 24 tháng… Đáng chú ý, có 2 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải xây dựng xong cơ sở sản xuất trong quý IV-2014 nếu không sẽ thu hồi đất; 12 dự án phải triển khai xây dựng công trình trong quý IV-2014. Bốn chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Hà, Công ty TNHH Xây dựng công trình văn hóa Thăng Long, Công ty TNHH Dương Đông và Công ty TNHH Mai Trang phải chấm dứt ngay hành vi tự ý cho thuê, sử dụng đất đúng mục đích được giao tại các dự án.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, mục đích của việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai nói chung là nhằm sử dụng đất hiệu quả, đúng quy định, tránh lãng phí. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan quản lý có thể xử phạt hành chính hoặc thu hồi đất. Song thực tế, trước khi có quyết định, cơ quan quản lý thường xem xét, làm rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp dự án phải dừng, chờ rà soát sau khi hợp nhất, không còn phù hợp quy hoạch, do suy giảm kinh tế… nên không hẳn trường hợp vi phạm nào cũng có quyết định thu hồi đất. Thậm chí, có trường hợp theo quy định phải thu hồi nhưng kiểm tra trực tiếp thấy đủ điều kiện tháo gỡ vướng mắc và phương án khắc phục của đơn vị sử dụng đất khả thi hơn.

Hơn 60.000m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, cỏ mọc um tùm tại dự án Trường Trung cấp nghề Sơn Tây. Ảnh: Hoàng Vinh

Không đơn giản chỉ là thu hồi

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vấn đề đặt ra là thu hồi xong sẽ giao cho ai, làm gì tiếp theo? Bởi thu hồi xong phải đưa đất vào sử dụng chứ không phải thu hồi xong rồi lại bỏ hoang. Chưa kể khi thu hồi đất phải hoàn trả tiền sử dụng đất và các chi phí cho chủ đầu tư. Không thu hồi ít nhất chủ đầu tư còn quản lý khu đất đó, tránh tình trạng lấn chiếm - Ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Dưới góc độ quy hoạch, ông Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc thu hồi đất dự án phải gắn với điều kiện khai thác và bối cảnh hiện nay. Quyết định thu hồi và thực thi quyết định thu hồi rất khác nhau. Ví dụ theo Luật Đất đai, khi thu hồi đất phải hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư, nhưng chi phí này được tính ra sao, như thế nào là chi phí hợp lệ lại không rõ. Thực tế, có chủ đầu tư được giao đất, làm hạ tầng xong, khi thu hồi họ tính giá rất cao, khó đền bù nổi.

Vậy làm thế nào để vừa bảo đảm kỷ cương pháp luật, vừa sử dụng hiệu quả đất đai, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích các bên? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Sỹ Liêm nói: Tôi tán thành việc dự án vi phạm, bỏ hoang phải thu hồi nhưng tôi nghĩ sẽ phù hợp hơn với những dự án ở khu vực ngoại thành. Hiện ta đang cần những cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn thì thu hồi để đáp ứng nhu cầu đó. Sau thu hồi tổ chức đấu giá, ai có nhu cầu thì tham gia. Với khu vực nội thành, nếu thu hồi để xây dựng vườn hoa, sân chơi, trường học thì nên làm; hoặc chủ đầu tư nhận đất để đầu cơ mua đi bán lại thì phải thu hồi. Còn do bất khả kháng như thị trường suy thoái, ngân hàng không cho vay… thì nên xem xét gia hạn cho chủ đầu tư.

Tương tự, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu, muốn thực hiện hiệu quả phải gắn kết sự quyết liệt của thành phố và sự minh bạch của chủ đầu tư. Sự quyết liệt ở chỗ dự án nào chủ đầu tư cố tình chây ì thì phải thu hồi; minh bạch ở chỗ chi phí dự án thế nào, phải tính toán rõ. Thứ nữa, phải xác định vùng trọng điểm ưu tiên phát triển để kêu gọi nhà đầu tư, nhất là từ nước ngoài. Điều này hiện thành phố vẫn loay hoay, 37 quy hoạch phân khu đô thị mới xong 20 đồ án, nhiều quy hoạch chuyên ngành vẫn chưa phê duyệt, không rõ ràng thì làm sao kêu gọi được đầu tư - Ông Nghiêm nói.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tham mưu thành phố ban hành quy định buộc nhà đầu tư phải tính toán kỹ khi đề nghị được giao đất làm nhà ở thương mại; nếu diện tích dự án lớn, phân kỳ giao theo tiến độ dự án. Ngoài việc sàng lọc nhà đầu tư có năng lực, tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chậm đưa vào sử dụng.

Khánh Khoa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.