Nhà ở xã hội thu hút sự quan tâm nhờ giá rẻ, đáp ứng trúng nhu cầu của thị trường, nên cũng vì vậy dễ bị lợi dụng để trục lợi, mua đi bán lại trái quy định để kiếm lời. Gần đây, trên mạng xuất hiện nhan nhản thông tin rao bán lại các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội không nhận đặt cọc

Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ (phường Đại Kim), do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư có giá bán 14,9 triệu đồng/m2, đang thu hút sự quan tâm của thị trường nhờ vị trí khá thuận lợi, vì thế mà thông tin về dự án này xuất hiện trên các trang mạng khá nhiều. Song, đáng chú ý là ngoài thông tin về dự án, thủ tục đăng ký mua còn có số điện thoại liên hệ tư vấn hỗ trợ khách hàng và yêu cầu đặt cọc 20-50 triệu đồng/căn hộ để được bốc thăm. Tương tự, thông tin rao bán nhà ở xã hội dự án EcoHome 2 cũng xuất hiện nhan nhản, cụ thể đến số căn, tầng, sảnh, với giá bán 18 triệu đồng/m2, cao hơn giá gốc 4-5 triệu đồng/m2. Thậm chí, những người đăng tin còn cam kết bao sang tên cho khách và chấp nhận cả trung gian. Cũng dự án này, một chủ rao bán khác cho biết, đã đóng tiền 2 đợt, bằng 45% giá trị, chuẩn bị đóng tiếp đợt 3 nhưng cần tiền nên phải bán. Giá bán cũng 18 triệu đồng/m2 và bao sang tên chính chủ. Một căn hộ khác được rao bán với giá thỏa thuận, trong khi một căn tầng 12 rao bán giá 19 triệu đồng/m2 và nói rõ tiền chênh 40 triệu đồng?!

Nhà ở xã hội thu hút sự quan tâm nhờ giá rẻ nên dễ bị lợi dụng để trục lợi. Ảnh: Thanh Hải

Đại diện chủ đầu tư EcoHome 2 - Công ty cổ phần Thủ đô đã lên tiếng cảnh báo người dân trước những thông tin trên. Chủ đầu tư này khẳng định, việc mua bán nhà ở xã hội tuân thủ các quy định pháp luật, việc thông tin rao bán, đặt cọc, nhận chênh lệch… có thể do các tổ chức, cá nhân nào đó lợi dụng, trục lợi. Trước việc các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn được rao bán chênh lệch qua các sàn giao dịch, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông báo, người dân có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội không phải đặt cọc và thông qua các sàn bất động sản (BĐS) trung gian; đồng thời không nhận chuyển nhượng trái quy định nhà ở xã hội. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách nhà ở xã hội thu tiền đặt cọc sai quy định. Việc mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội phải tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 08/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chỉ nộp hồ sơ tại chủ đầu tư theo chỉ dẫn đăng tải công khai trên trang thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội (soxaydung.hanoi.gov.vn) và trang thông tin của chủ đầu tư dự án, không thông qua các sàn BĐS trung gian. Thông báo của Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh, mọi hành vi gian dối khi kê khai, xác nhận hồ sơ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (kể cả trong quá trình hậu kiểm) đều bị xử lý theo quy định.


Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một mặt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; đôn đốc doanh nghiệp triển khai ngay việc đầu tư, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, tài chính. Mặt khác, kiên quyết thu hồi những dự án đã cho phép đầu tư nhưng chậm triển khai. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu trục lợi của các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở để xử lý theo quy định.

Kiểm tra các dự án chậm triển khai

Cùng với việc kiểm tra thông tin rao bán nhà ở xã hội, TP Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra các dự án chậm tiến độ. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã giao Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất để chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoặc thu hồi giao chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố trong tháng 9, đối với dự án đã được UBND thành phố chấp thuận đầu tư, cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai quá 12 tháng.

Tương tự, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất để triển khai tiếp hoặc giao chủ đầu tư khác, báo cáo UBND thành phố trong tháng 9, với dự án đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương, giao chủ đầu tư nghiên cứu dự án nhưng chậm triển khai quá 12 tháng. Đồng thời, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương thẩm định giá bán, giá cho thuê dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua bán, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà; đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu Ban quản trị theo quy định. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu nhà ở.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố đã có nhiều dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào vận hành, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 9.000 người. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại: Chủ đầu tư được chấp thuận dự án, cho phép chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai. Dự án đã đưa vào sử dụng nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, chậm thành lập ban quản trị và cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân...
Gia Khánh (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.