CafeLand - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Gần đây, NHNN liên tục yêu cầu các ngân hàng kiểm soát và hạn chế cho vay các dự án BOT, BT giao thông và bất động sản

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo tại các chỉ thị về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Theo đó, các ngân hàng thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay. Lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, các dự án có áp dụng thu phí theo hình thức trạm thu phí không dừng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Bên cạnh đó, người đứng đầu NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.

Trước đó, trong Chỉ thị 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, NHNN tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Mới đây, NHNN cũng đã yêu cầu Vietcombank sử dụng vốn từ nguồn phát hành trái phiếu của nhà băng này tập trung vào lĩnh vực được ưu tiên, hạn chế cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nói trên.

Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông trong khi việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những hạn chế liên quan và có thể gây nhiều rủi ro.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.