Khi thị trường bất động sản (BĐS) còn "tươi sáng", nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh tay đầu tư vào các dự án lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Có những DN đã đi theo hướng đầu tư "đa ngành" từ BĐS lấn sang trồng cây công nghiệp, thủy điện... Đến khi thị trường lâm vào khủng hoảng, đầu ra hạn chế, chi phí tài chính từ các khoản vay đã buộc họ phải chọn lựa, một là cơ cấu lại các khoản đầu tư, hai là "cắn răng" theo đuổi đến cùng". Vậy, đối với các DN BĐS, họ cần làm gì để duy trì năng lực cốt lõi?

Đối với các DN BĐS, năng lực cốt lõi không đơn thuần là chuyện đầu tư vào một dự án hay theo đuổi một dòng sản phẩm. Có những nhà phát triển dự án bắt nguồn từ một DN xây dựng hoặc thiết kế...

Nhưng, một khi chuyển sang đầu tư dự án, họ vẫn có thể tận dụng thế mạnh vốn có về xây dựng để tiết giảm giá vốn, hoặc với chuyên môn và kinh nghiệm về mảng thiết kế sẽ tạo ra các công trình có lợi thế cạnh tranh bền vững.

Còn đối với những DN BĐS đã đầu tư vào quá nhiều dự án cùng lúc, thậm chí là mở rộng ra nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực không phải thế mạnh và hiện đang rơi vào tình trạng khó khăn thì vẫn có giải pháp, quan trọng là họ có mạnh dạn và quyết tâm để thực hiện hay không.

Về mặt tổng quát, trước hết, những DN này phải khắc phục vấn đề tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận bán lỗ một số khoản đầu tư, lẫn một số dự án BĐS hoặc chuyển các khoản vay của ngân hàng thành cổ phần.

Song, để những khó khăn được giải quyết một cách căn cơ thì DN phải đề ra chiến lược rõ ràng, mang tính dài hạn. Theo đó, những người thực hiện chiến lược này, tức nhà quản lý DN phải xác định đâu là lĩnh vực cốt lõi mà ở nơi đó, DN có đủ sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ về mặt sản phẩm, thị phần..., cũng như năng lực lãnh đạo ngay trong chính ngành đó.

Trong thời gian qua, có những DN BĐS chuyển hướng đầu tư vào ngành nghề khác như thủy điện hay tiêu dùng, trên thực tế, họ phải tốn thời gian và một khoản kinh phí không nhỏ cho việc nghiên cứu thị trường, thiết lập bộ máy nhân sự.

Rõ ràng, về mặt logic cạnh tranh, họ không thể đuổi kịp những DN có thâm niên trong ngành với bề dày kinh nghiệm, nền tảng đầu tư tốt và thị phần đã tương đối ổn định. Do đó, trong chiến lược tái cơ cấu, các DN phải mạnh dạn loại bỏ những khoản đầu tư không phải là thế mạnh để tập trung vào năng lực cốt lõi.

Tiếp theo đó là việc tinh giảm bộ máy nhân sự. Điều này có thể sẽ cần nhiều thời gian ở khu vực DN nhà nước nhưng với DN ngoài quốc doanh thì sẽ không quá khó cho nhà lãnh đạo.

Nên tập trung nguồn lực cả về con người lẫn tài chính cho những lĩnh vực và dự án cụ thể để tạo nguồn thu và dần vực DN khỏi tình trạng khó khăn. Do đó, trong cuộc "đại phẫu" đối với các DN BĐS, lãnh đạo phải là người có cái nhìn tổng quát và tỉnh táo chọn chiến lược phù hợp.

Nguyễn Minh Triết - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Strategy Asia
Doanh nhân Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.