Ngày 1/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam hiện còn thiếu một số quy định, hướng dẫn triển khai như quy trình chuẩn lập quy hoạch sử dụng đất, định mức sử dụng đất; thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; giữa ba loại quy hoạch này còn chồng chéo, chưa thực sự trở thành một hệ thống quy hoạch thống nhất. Quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch các ngành chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt chưa có chế tài đủ mạnh. Trong đó, tình trạng lấn chiếm đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, dẫn đến khi thực hiện quy hoạch, chi phí bồi thường vượt quá dự kiến ban đầu. Việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất.

Để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững trước áp lực tăng dân số, tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia thống nhất, việc sử dụng đất của Việt Nam về lâu dài nói chung và trong thế kỷ XXI nói riêng phải theo nguyên tắc: Khai thác, sử dụng quỹ đất đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao trên cơ sở phát triển theo chiều sâu, chiều cao, tận dụng không gian, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, phát huy tiềm năng, nguồn lực về đất; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và môi trường sinh thái theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

Đồng thời, việc bố trí đất đai cho các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo: Duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực; đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích danh thắng nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Bố trí đủ quỹ đất cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Khai thác hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng; ngăn chặn tình trạng đất bị xâm hại, lấn chiếm; phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển mở rộng diện tích đất ở những nơi có điều kiện và khống chế được tác động của biến đổi khí hậu...
Thái San (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.