KTS Trần Thanh Vân từng tu nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Đồng Tế (Thượng Hải, Trung Quốc, niên khóa 1961 - 1966), sau đó là các khóa học sau đại học về Sinh thái học và Cảnh quan tại Đại học Tổng hợp Đrét-xđen (CHDC Đức) với học bổng của Liên hợp quốc.

Bà công tác tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho đến năm 1992, hiện bà đang làm việc như một KTS độc lập. Dưới đây là chia sẻ của bà về một số bất cập trong quy hoạch nói chung và không gian công cộng nói riêng ở Hà Nội:

- Thực trạng quy hoạch đô thị ở Hà Nội, trong đó có vấn đề không gian công cộng, đang "có vấn đề", bà nghĩ sao về điều này?

- Chúng ta thiếu một kiến trúc sư trưởng thành phố - vị nhạc trưởng quy hoạch, kiến trúc và quản lý, người được giao toàn quyền cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ về bộ mặt kiến trúc, quy hoạch đô thị.

Thực tế chứng minh là giới kiến trúc sư ít được tham gia vào việc quyết định lựa chọn những công trình kiến trúc lớn ở Hà Nội.

- Hà Nội vẫn có các không gian công cộng nhưng vị trí thật sự của nó trong quy hoạch đô thị cũng như ý nghĩa của nó đối với cộng đồng dân cư là như thế nào, thưa bà?

- Hà Nội cũ - theo kiến trúc của Pháp trước đây dù không sang trọng ghê gớm nhưng có nghiên cứu và có tỷ lệ vùng đất xanh, vườn hoa, hay những không gian công cộng phù hợp trên đầu người. Người Pháp đã thiết kế kiến trúc Hà Nội khi đó cho một lượng dân cư thấp, mật độ không lớn.

Nay, Hà Nội đã được mở rộng nhưng nghịch lý là ngay trong khu vực cũ, các công trình xây dựng mới vẫn mọc lên, đường sá bị thu hẹp lại, rất nhiều vườn hoa, hồ nước bị xâm chiếm, cắt xén, biến dạng. Tôi thí dụ: vườn hoa Cửa Nam bị xẻ thành đường đi, công viên Thống Nhất hay Thủ Lệ bị "xẻ thịt" thành đủ thứ quán hàng, bãi đậu xe, đường vòng quanh công viên nhỏ hẹp, luôn tắc giờ cao điểm. Công viên đã không trở thành không gian công cộng, rào kín lại và trở thành một nơi xả rác bừa bãi, lộn xộn. Thậm chí, ngay ở vùng đô thị mới như khu Mỹ Đình, nơi có nhiều kiến trúc công cộng như sân thể thao, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia,... nhưng có ai được đến không? Có ai thích đến không? Bảo tàng Hà Nội có thu hút người dân không? Hay thí dụ khác là công viên Hòa Bình mới làm nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà đã xập xệ ra sao... Tại sao chúng ta mất hàng trăm tỷ đồng để xây dựng những công trình, không gian công cộng như vậy mà đại đa số người dân lại đứng ngoài rìa?

Thực trạng quy hoạch đô thị chung yếu kém đã dẫn đến hệ quả là những công trình ấy trở nên cô lập, thiếu sức sống và dần sẽ trở thành những công trình chết; trong khi người dân thì vẫn khát không gian công cộng.

- Là một KTS cảnh quan, bà có thể có những gợi ý gì trong việc cải tạo lại các không gian công cộng hiện có để chúng trở nên đúng nghĩa là không gian công cộng hơn?

- Tôi thấy là phải tổ chức lại tất cả các khu kiến trúc công cộng hiện nay. Việc đầu tiên có thể làm là dỡ bỏ tường bao ngăn cách giữa các công viên với sinh hoạt của người dân, không thu phí vào công viên Thống Nhất, mở ngỏ để người dân thoải mái tập dưỡng sinh, thể dục, sinh hoạt dã ngoại cuối tuần, ăn nghỉ trên những bãi cỏ, tổ chức những sự kiện gia đình, tập thể...

Các không gian lớn quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội và sân vận động Mỹ Đình hoàn toàn có thể được sắp xếp và kết hợp lại một cách thân thiện, có lợi cho cộng đồng... Đặc biệt, cần phải đưa hoạt động thương mại ra những khu vực mới. Chúng ta không thể phá một công viên để xây một khách sạn mà ngược lại, nên biến một khách sạn thành một công viên...

Minh Anh (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.