Về thời gian cụ thể Grand Plaza hoạt động trở lại, vị đại diện của TTTM được mệnh danh là "Thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" cho hay: Chưa có câu trả lời chính xác.
Cảnh ngổn ngang tại TTTM Grand Plaza
Tới Trung tâm thương mại (TTTM) Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) những ngày này, nhiều khách hàng sẽ ngạc nhiên trước cảnh ngổn ngang đồ đạc để sửa chữa, các gian hàng trống huơ, trống hoác.
Tại lối lên cầu thang máy tầng 1 của TTTM, một toán bảo vệ đang án ngữ ngay cửa, khi thấy khách hàng bước tới, họ đã kịp ngăn lại và giải thích lý do: Hiện tại, trung tâm đang tạm thời ngưng hoạt động, đóng cửa để sửa chữa.
“Bây giờ, chúng tôi đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để có mặt bằng chung, xin quý khách vui lòng trở lại sau” – một bảo vệ ở đây cho biết.
Phía trong TTTM Grand Plaza tối om, không một ai qua lại, các gian hàng đều đóng cửa, ngừng hoạt động.
Trước đó, một thời gian dài, sau khi Grand Plaza được khai trương cách đây 3 năm trước, TTTM này được coi là nơi bán hàng ế ẩm nhất Hà Nội.
Có hàng trăm hàng nghìn lý do được đưa ra để lý giải cho thất bại của trung tâm thương mại này. Đầu tiên phải kể đến là khâu quảng cáo tiếp thị, nhiều người dân đi qua không hề biết ở đây có trung tâm thương mại, họ chỉ biết đến tòa nhà văn phòng và khách sạn 5 sao.
Khi mới đưa vào hoạt động, cách quản lý tổ chức ở đây khiến cho không ít khách hàng phàn nàn khó chịu, tòa nhà có quy định thu tiền gửi xe theo giờ, cứ 2.000 đồng/giờ.
Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là quá ít gian hàng, mặt hàng lại không phong phú, khu vui chơi – ăn uống - giải trí không đầy đủ, tiện nghi như các trung tâm thương mại khác, vì vậy mà các gian hàng đều than trời vì vắng khách.
Giải thích về sự đình trệ, ế ẩm của “người hàng xóm”, lãnh đạo của một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội cho rằng: Trước đây, IDJ Financial - chủ đầu tư Grand Plaza làm bất động sản, xây mặt bằng nhưng xé lẻ ra bán cho tư nhân. Tuy vậy, khi vận hành trung tâm thương mại đã không kết nối được mục tiêu chung của các chủ sở hữu của các gian hàng, do vậy, hiện tại phải đàm phán với các chủ cá nhân đó, tập hợp họ lại cho một công ty quản lý bất động sản của IDJ, đồng thời cam kết một lợi nhuận nhất định cho chủ đầu tư.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Đức Anh - Giám đốc TTTM Grand Plaza cũng thừa nhận: Grand Plaza cần thời gian để tái cơ cấu lại, việc thuê gian hàng đã chính thức ngừng hoạt động từ tháng 12/2012.
“Ban lãnh đạo của chúng tôi đang xác định phương án tái cấu trúc. Bản chất trước đây Grand Plaza là cho thuê và kinh doanh mô hình trung tâm thương mại thì sau một thời gian tạm thời đóng cửa, khi quay trở lại vẫn là trung tâm thương mại” – ông Đức Anh nói.
Tuy vậy, hỏi về thời gian cụ thể mà Grand Plaza hoạt động, mở cửa trở lại thì vị đại diện của Grand Plaza cho hay: Chưa có câu trả lời chính xác.
TTTM Grand Plaza sẽ tái cấu trúc thế nào?
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đức Anh từng chia sẻ: Grand Plaza sẽ thay đổi cơ bản về kết cấu của khu thương mại.
Theo đó, tầng hầm sẽ được định hướng trở thành siêu thị hiện đại với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống, đồ dùng hàng ngày, sẽ thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất cho các bà nội trợ là các nữ nhân viên văn phòng tại tòa nhà Grand Plaza cũng như cư dân tại các khu lân cận.
Còn tầng 1 sẽ là không gian dành cho các thương hiệu quốc tế, đồ trang sức cao cấp, mỹ phẩm, nước hoa, dịch vụ làm đẹp, đồng hồ, kính mắt. Sảnh phía sau TTTM nơi sẽ dành cho các quán café.
Tầng M bao gồm khu vực thời trang dành cho cả nam và nữ. Khu vực công nghệ, hi-end: nơi sẽ thu hút các đồ điện gia dụng và hàng công nghệ cao; Tầng 2: Thời trang nữ, giày dép, túi xách, phụ kiện nữ. Khu vực quần áo, đồ chơi trẻ em. Khu vui chơi trẻ em, trường mầm non.
Tầng 3: dành cho các gian hàng quần áo thể thao, khu vực đồ gia dụng, đồ nội thất, thiết bị chăm sóc sức khỏe, khu vực chăm sóc sức khỏe, phòng tập thể thao; Tầng 4 vẫn được duy trì là Thế giới ẩm thực nơi hội tụ hương vị ẩm thực các vùng miền.
“Chúng tôi sẽ phát huy tối đa những thuận lợi Grand Plaza hiện có như phục vụ nhu cầu của hơn 5.000 cư dân văn phòng làm việc tại tòa nhà, hàng nghìn khách du lịch quốc tế tại khách sạn Grand, rất nhiều cư dân, dân văn phòng ở các khu vực xung quanh. Grand Plaza với hai mặt tiền trên hai phố lớn, bãi đậu xe lớn và thoáng chắc chắn sẽ đáp ứng được lượng khách hàng lớn…” – ông Đức Anh nhấn mạnh trên trang Vietnamnet.
Sau một thời gian khai thác không hiệu quả, TTTM Grand Plaza hiện tại buộc phải thay đổi để có thể tiếp tục phát triển.
Hiện tại, Grand Plaza đang kêu gọi các khách hàng tới thuê mặt bằng với chính sách giá ưu đãi như miễn phí hoàn toàn tiền thuê 6 tháng đầu tiên, 6 tháng tiếp theo được giảm 40% và từ năm thứ 2 giảm 30% giá thuê cố định. Ngoài ra, Grand Plaza còn có hình thức “Chia sẻ doanh thu”. Hợp đồng năm thứ nhất, miễn phí 06 tháng đầu. Giá thuê áp dụng cho 06 tháng tiếp theo tương đương 15% doanh thu mỗi tháng. Hợp đồng năm thứ 2 và 3, giá thuê tương đương 20% doanh thu mỗi tháng.
Liệu sau khi kết cấu lại, TTTM Grand Plaza có khởi sắc hay tiếp tục đìu hiu, ảm đạm như thực trạng “ngủ đông” đã diễn ra cả một thời gian dài vừa qua? – Đó vẫn còn là một câu hỏi đang chờ được trả lời trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, muốn thu hút khách hàng, hàng hóa trong Grand Plaza phải có sự khác biệt, tạo điểm nhấn riêng cho mình. Nếu chỉ bán giống BigC với những đồ gia dụng, mắm muối, dưa cà, ông Phú cho rằng: TTTM Grand Plaza sẽ “rất đáng lo”.
“BigC đã tồn tại hàng chục năm, đã gây dựng được thương hiệu lớn. Do đó nếu hàng hóa của Grand Plaza lại giống như BigC thì tôi dám đảm bảo: Anh sẽ thất bại”, ông Phú khẳng định.