Giới kinh doanh đánh giá cao quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước khi ban hành Thông tư 22, song cảnh báo thị trường sẽ diễn biến phức tạp trước ngày các ngân hàng thực hiện tất toán hợp đồng chuyển đổi vàng thành tiền.

T>>Thông tư 22: "Thuốc" trị nạn đầu cơ vàng

Theo Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu (ACB), việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, song cảnh báo thị trường sẽ diễn biến phức tạp trước ngày các ngân hàng thực hiện tất toán hợp đồng chuyển đổi vàng thành tiền.

3 điểm mấu chốt của thông tư này là cấm các ngân hàng chuyển đổi vàng huy động được thành vốn tiền đồng để cho vay, chỉ được huy động vàng dưới hình thức giấy tờ có giá và chỉ cho vay vàng sản xuất trang sức. Trước đây, các ngân hàng được sử dụng tối đa 30% lượng vàng huy động được để chuyển hóa thành vốn tiền đồng cho vay; việc huy động và cho vay không bị hạn chế.

Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji Đỗ Minh Phú cũng tỏ ra ủng hộ Thông tư 22, coi đây là công cụ rắn và hữu hiệu để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, hạn chế rủi ro đối với nghiệp vụ vàng trong ngân hàng.

Trước đây, nghiệp vụ vàng thường mang lại lợi nhuận cực lớn cho các ngân hàng, thậm chí có nơi vàng còn đóng góp phân nửa lợi nhuận hằng năm. Một trong những mảng lời nhất đó là chuyển đổi vàng thành vốn tiền đồng cho vay. Chẳng hạn ngân hàng huy động vàng với lãi suất 1%, rồi bán ra (tối đa 30% số huy động) để lấy tiền đồng cho vay với lãi suất 10-12% một năm. Nếu không có biến động giá vàng, ngân hàng cầm chắc lãi nhờ chênh lệch lãi suất. Khoản lời càng lớn hơn nếu giá vàng tại thời điểm ngân hàng huy động cao hơn thời điểm ngân hàng tất toán hợp đồng gửi vàng của khách.

Song theo ông Phú, ngân hàng gặp rủi ro rất lớn nếu thị trường vàng trong xu hướng tăng giá. Giờ này năm ngoái, giá vàng thế giới chỉ chừng 1.040 USD một ounce nhưng đến sáng nay đã là gần 1.360 USD một ounce. "Như vậy trong vòng một năm qua, nếu ngân hàng chuyển đổi vàng thành tiền đồng cho vay, thì khoản chênh lệch lãi suất trên dưới 10% không thấm vào đâu so với đà tăng giá tới 30% của vàng", ông Phú phân tích. Theo ông, nghiệp vụ này càng nhiều rủi ro khi các ngân hàng không còn được kinh doanh trên tài khoản, không được nhập khẩu vàng miếng thường xuyên như trước.


Giá vàng vẫn chịu nhiều áp lực trong nửa đầu năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà

Thông tư 22 ra đời cũng được kỳ vọng giúp giảm thiểu tình trạng vàng hóa, bên cạnh nạn đôla hóa đang vô cùng nghiêm trọng hiện nay. Theo ông Phú, một trong những nguyên nhân làm trầm trọng hóa nạn vàng hóa tại Việt Nam chính là việc các ngân hàng tích cực huy động vàng.

"Một khi người dân thấy giữ vàng có lợi kép, vừa lợi do giá tăng, lại được gửi an toàn trong ngân hàng hưởng lãi, thì họ càng tăng cường mua vàng, coi đây là công cụ đảm bảo tài sản và sinh lời. Tình trạng vàng hóa nặng nề khiến cho một lượng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân bị găm giữ trong vàng", ông Phú nói.

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng khi Thông tư 22 phát huy tác dụng, người dân sẽ cân nhắc kỹ hơn khi đầu tư vào vàng, bởi không còn lợi nhuận kép. Hiện chưa ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất huy động vàng nhưng theo bà Cúc, trong tương lai chắc chắn sẽ phải giảm do nhu cầu huy động vàng không còn như trước nữa. Khi đó, nhu cầu mua vàng của người dân cũng ít đi do lãi suất gửi vàng thấp.

"Khi nhu cầu mua vàng không còn lớn, thị trường ít chịu những cú sốc bất thường về cung cầu, giá vàng trong nước sẽ không tách quá xa so với thế giới, chỉ còn phụ thuộc vào giá thế giới và tỷ giá ngoại tệ ở cùng thời điểm. Nhờ đó, thị trường sẽ trở nên ổn định hơn", bà Cúc phân tích.

Giám đốc một công ty kinh doanh vàng cỡ lớn cho rằng, Thông tư 22 còn có vai trò ngăn nạn đầu cơ vàng trong ngân hàng. Theo ông, các ngân hàng với tiềm lực lớn về vốn, về vàng, nếu muốn làm loạn thị trường rất dễ. Trên thực tế, có những ngày cần cân đối trạng thái, một ngân hàng có thể đặt mua một lúc 10.000 lượng, tương đương doanh số một tuần của một đầu mối kinh doanh vàng miếng lớn trên thị trường.

"Việc các ngân hàng vừa được huy động, cho vay và vừa mua bán vàng vàng là rất nguy hiểm với thị trường", ông nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo thị trường vàng sẽ trải qua giai đoạn rung lắc trước khi các ngân hàng hết hạn tất toán hợp đồng hoán đổi vàng. Theo quy định của Thông tư 22, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền đồng trước 29/10, các ngân hàng phải giảm dần và tất toán chậm nhất trước ngày 1/7/2011. Như vậy, trong vòng 9 tháng, các ngân hàng sẽ phải mua đủ số vàng đã chuyển đổi để trả lại hoàn nhập vào hệ thống.

"Ngân hàng Nhà nước đã tính toán lộ trình khá dài, song với một lượng lớn vàng các ngân hàng cần mua lại, thị trường chắc chắn chịu nhiều áp lực", ông Đỗ Minh Phú phân tích.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay lượng tiền gửi bằng vàng đạt 90-91 tấn và các ngân hàng đã chuyển đổi một lượng vàng tương đương 65% hạn mức cho phép, tức khoảng 20 tấn, thành tiền đồng để cho vay. Với quy định mới, trong 9 tháng tới, các ngân hàng sẽ phải mua cho đủ 20 tấn này để hoàn nhập vào hệ thống.

Sau thời điểm 1/7/2011, vàng sẽ được giải phóng một lượng đáng kể khỏi các ngân hàng vì nhu cầu sử dụng không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, theo ông Phú, không ai dám chắc lượng vàng này sẽ được đưa ra thị trường, và nhiều khả năng sẽ lại nằm chết trong kho tích trữ của dân.

"Theo tính toán lượng vàng trong dân còn rất nhiều, ít nhất là 100 tấn, tương đương 4,5 tỷ USD. Nếu không được giải phóng sẽ rất lãng phí", ông Phú nói.

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland