Điểm nhấn của thị trường vàng trong nước năm 2012 không phải diến biến giá trên thị trường hay cảnh người dân 'đổ xô' đi mua vàng, mà là những tranh cãi xung quanh chính sách quản lý thị trường của Nhà nước.

Năm 2012, giá vàng thế giới biến động liên tục nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Giá vàng trong nước cũng chịu tác động của giá vàng thế giới nhưng phần lớn lại được điều chỉnh dưới tác động của các chính sách điều hành. Từ mức giá 42,7 triệu đồng/lượng đầu năm 2012, đến nay giá vàng trong nước hiện ở mức 46,3 triệu đồng/lượng, tăng 3,6 triệu đồng, tương đương 8,43%.

Trong năm 2012, chính sách tác động mạnh đến thị trường vàng trong nước là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 3/4/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012.

Chống vàng hóa, giá vàng nhảy vọt

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời nhằm quản lý và ổn định thị trường vàng trong nước. Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ khi Nghị định chính thức có hiệu lực, thị trường đã có những biểu hiện tích cực. Theo đó, giá vàng trong nước khá ổn định, hạn chế được nhóm đầu cơ vàng, cũng như hạn chế được sự mua bán trao đổi vàng như một thứ hàng hóa trong dân.

Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước giá vàng thế giới càng ngày bị đẩy lên cao. Từ mức hơn 1 triệu đồng/lượng đầu năm, đến cuối năm con số này lên trên 5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này theo giới chuyên gia là quá cao và có thể đem lại rủi ro khi đầu tư vàng.

Ông Trần Tử Quýnh, Thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam nhận định: "Nghị định 24 về quản lý vàng ra đời, với cái lợi mà Nhà nước kỳ vọng là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng cái lợi đến thời điểm này không làm được. Vô hình trung cái lợi đặt ra biến thành cái hại và hơn ai hết chịu thiệt là chính người dân”.

Một số ý kiến người dân bức xúc cho rằng, trên thị trường có đầu cơ vàng nhưng phần lớn là nhu cầu tích trữ vàng chính đáng của người dân như công cụ tiết kiệm. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hoá”.

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Điểm đáng chú ý của Nghị định 24 là Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Vàng SJC được chọn làm thương hiệu độc quyền, các tổ chức kinh doanh hiện nay sẽ không được dập vàng miếng thương hiệu khác.

Cũng theo Nghị định này, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Mục đích của quy định nhằm hạn chế buôn lậu vàng, chống hiện tượng vàng nhái vàng giả.

Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc sản xuất vàng Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, Nhà nước không được lợi gì khi độc quyền vàng miếng, thậm chí còn thất thu khi doanh nghiệp ngừng sản xuất vàng miếng thì không có thuế đóng cho nhà nước. Tuy nhiên, ông Phúc cũng lạc quan nhìn nhận sự độc quyền vàng miếng thì số lượng vàng lưu thông trên thị trường vàng giảm đi, giảm được buôn lậu do đó nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng sẽ giảm.

Sân chơi của ông lớn ngân hàng

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị nào không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định của NHNN sẽ phải ngừng kinh doanh mặt hàng này từ ngày 30/1/2013. Cụ thể, Ngân hàng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký kinh doanh vàng; mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm; nộp thuế 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng, thị trường kinh doanh vàng miếng chỉ còn tên tuổi của những đại gia, mà phần lớn là chính những ngân hàng thương mại (NHTM). Trong khi chức năng chính của các NHTM là kinh doanh tiền tệ, chứ không phải kinh doanh vàng.

Theo đánh giá của giới kinh doanh vàng, khoảng 12.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng miếng trên cả nước sẽ khó đáp ứng được các điều kiện khá chặt chẽ, đòi hỏi vốn điều lệ lớn…. Ngay cả các đơn vị như Bảo Tín Minh Châu, Công ty Kinh doanh vàng Agribank… cũng sẽ phải ngưng, do không đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định 24 đặt ra. Vì thế, dự báo, sẽ còn rất ít doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

Chấm dứt việc huy động vàng

Theo Nghị định 24 và Thông tư 22/2010/TT – NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải dừng huy động vàng kể từ ngày 25/11/2012. Nếu người dân có vàng mang gửi ngân hàng giữ hộ sẽ phải trả phí.

Thông tư này đã ảnh hưởng không ít đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi không phải người gửi vàng tại ngân hàng sẽ chuyển đổi vàng sang tiền mặt để gửi trở lại vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo kế hoạch, từ ngày 25/11/2012, các ngân hàng phải ngừng hoàn toàn những nghiệp vụ liên quan tới vàng theo quy định của Thông tư 11. Nhưng trên thực tế, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng mới chỉ thu mua được khoảng 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, còn thiếu khoảng 20 tấn. Do đó, NHNN mới đây đã ‘phải’ gia hạn cho các TCTD đến ngày 30/6/2013.

“Một khối lượng vàng được dự đoán từ 400-500 tấn trong dân, sẽ là tài sản chết, không chuyển hoá được để lưu thông. Kể cả khi đó NHNN có đề án huy động vàng trong dân để chuyển hoá vàng thành ngoại tệ đi nữa cũng không dễ. Vì muốn hút được vàng trong dân, phải ổn định được giá trị VND, khi đó người dân mới có niềm tin để gửi vàng”, một chuyên gia bình luận.

Năm 2013, nhiều chính sách quyết liệt hơn

Tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 25/10/2012, ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng.

Theo NHNN dự định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào vàng sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích việc đánh thuế vàng chẳng khác nào đánh vào túi tiền tích cóp của dân...

Tuy nhiên, TS.Vũ Đình Ánh nhận định: “Nếu Nhà nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng cũng không giảm được nhu cầu tích lũy. Vì người dân mua giá cao thì bán giá cao. Nó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi vậy việc đánh thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ không thành công”.

Trong cuộc họp báo chí ngày 27/12 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm 2013, NHNN sẽ mạnh tay hơn với thị trường vàng, không điều hành theo hướng cho nhập khẩu vàng như trước nữa. “Trước đây giá vàng do đầu nậu làm ra, nhưng tới đây sẽ do NHNN kiến tạo và điều khiển thị trường vàng trong nước theo ý đồ quốc gia, chuyển đổi vàng thành tiền cho sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế giữ tiền, Nhà nước giữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo đó, khi các NHTM đóng xong trạng thái vàng thì NHNN sẽ ra tay với mục đích tăng thêm nguồn dự trữ vàng của quốc gia. Nếu giá vàng còn chênh lệch thì NHNN sẽ tung vàng ra bán để tăng thêm dự trữ ngoại hối. NHNN sẽ là người kiến tạo ra thị trường vàng.

Hy vọng rằng sau một năm đánh giá hiệu quả các chính sách điều hành, các cơ quan quản lý sẽ có những quyết sách hợp lý như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.”

Theo Tiểu Yến (NDHMoney)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.