Các chuyên gia kinh tế nhận định: nhu cầu thực về nhà ở của người dân còn lớn chính là yếu tố để thị trường BĐS phải chuyển hướng, tìm lối đi lên. Khi đó, thị trường này sẽ khắc phục những nhược điểm trước kia, phát triển chậm lại, sát với nhu cầu thực tế.

Doanh nghiệp có cơ hội

Q.Hà Đông từng được coi là thị trường “hot” với hàng loạt các dự án BĐS, nhà ở lớn như KĐT Văn Phú, KĐT Bắc Hà, KĐT Dương Nội, các dự án hai bên đường Lê Trọng Tấn… Vào thời điểm sôi động 2009 - 2010, để có được suất mua “chung cư cao cấp” T10-T11 Văn Phú, người mua phải đóng góp vốn 500 triệu đ/suất. Qua gần 2 năm triển khai, dự án vẫn… chưa xong phần móng, xin rút tiền ra không được, nhiều khách hàng đang rao bán dưới giá góp vốn cũng không đẩy được nhà để thu tiền trả ngân hàng. Tính sơ qua đã có hàng nghìn tỷ đồng góp vốn đang “chết” cùng với các dự án BĐS “án binh bất động” trên địa bàn này. Trên địa bàn quận, chỉ còn rất ít trung tâm môi giới BĐS còn hoạt động thay vì “nườm nượp” như trước kia. Đại diện một trung tâm tại Văn Quán cho biết còn hoạt động chủ yếu để “săn” các căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng, diện tích 60 - 70m2, những căn hộ này rao là bán được ngay…

Thị trường BĐS đang tồn tại một nghịch lý, trong khi hàng “tồn” thì rất nhiều nhưng không đáp ứng được nhu cầu cho người dân, DN muốn bán sản phẩm nhưng người mua khó tiếp cận được bởi giá nhà vẫn vượt quá khả năng chi trả. Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội và TP.HCM hiện tồn khoảng 60 nghìn căn hộ, đa số những căn hộ này đều được gọi là “cao cấp”, người dân ít có khả năng mua được. Tại Hà Nội, những dự án đã được triển khai chủ yếu cung cấp những căn hộ từ 90m2 trở lên, giá cũng trên 20 triệu đồng/m2. Một thời gian dài cho đến tận bây giờ, các DN đã “bỏ trống” thị trường căn hộ bình dân với giá trên dưới 1 tỷ đ/căn, trong khi nhu cầu chính ở phân khúc này.

Thị trường đang có xung lực tốt

Nhận định về thị trường BĐS hiện nay và trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: Hiện các DN kinh doanh BĐS đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng cơ cấu lại sản phẩm, nhiều DN đang chuyển dần sang đầu tư nhà ở có diện tích nhỏ, giá bán vừa phải để thu hút những khách hàng có nhu cầu thực. Trước mắt, thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể sôi động ngay được. Tuy nhiên, khi Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, dòng tiền được hướng vào các phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao, hỗ trợ cho DN và người mua nhà... thì tình hình thị trường sẽ ấm dần lên, tạo đà phát triển cho những năm sau.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ động đôn đốc các địa phương nghiêm túc rà soát các dự án phát triển nhà ở, các dự án khu đô thị mới để phân loại các dự án cho phép tiếp tục triển khai, dự án nào cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng sẽ phối hợp rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Nhằm kích cầu mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất với Ủy ban Kinh tế Quốc hội giảm 50% thuế GTGT đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân có diện tích căn hộ nhỏ hơn 90m2, giá bán dưới 20 triệu đ/m2 và mua lần đầu để ở. Đồng thời chuẩn bị đưa giải pháp cho phép xây dựng nhà ở có diện tích nhỏ vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ phê duyệt để thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh lĩnh vực nhà ở cho thuê nhằm phát triển nhà ở bền vững và dài hạn… Đây chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường này trong thời gian tới.

Theo Nhị Nương (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.