Trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về một thị trường khởi sắc sau quý I-2012, báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường đều cho thấy thực tế ảm đạm của thị trường BĐS trong quý I và những tín hiệu bất an sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II.

Thị trường tiếp tục “lệch”


Báo cáo của Công ty tư vấn BĐS Colliers International Việt Nam cho thấy, trong quý I-2012 nguồn cung căn hộ tăng nhanh. Cụ thể, TPHCM có thêm 119.000 căn, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2011; Hà Nội tăng khoảng 2.100 căn hộ, trong đó 70% là căn hộ cao cấp. Thực trạng này đã khiến việc giao dịch gặp nhiều khó khăn, dù giá bán vẫn tiếp tục giảm.


Việc giảm giá của thị trường không quan trọng bằng việc các giao dịch mua bán “đóng băng” do kỳ vọng của người dân và của các chủ đầu tư “lệch pha” nhau. Bởi phân khúc cầu nhiều thì không giảm giá còn phân khúc giảm giá, người mua lại không có nhu cầu. Để giải quyết được vấn đề này phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền đổ vào thị trường BĐS trong 3 quý còn lại của năm 2012.

GS. ĐẶNG HÙNG VÕ

Giá chào bán căn hộ tại TPHCM dao động trong biên độ 690-2.000USD/m2. So với năm 2011, mức giá căn hộ cao cấp giảm khoảng 40%, căn hộ trung cấp và bình dân giảm tương ứng 30% và 27%.


Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp dao động ở mức 1.000-2.000USD/m2. So với quý IV-2011, mức giá căn hộ bình dân giảm khoảng 10%, hạng trung cấp giảm 13% và hạng cao cấp giảm 12% (như dự án Indochina Plaza Hanoi (IPH) hay Star City).


Tuy nhiên, thị trường căn hộ bình dân, trung cấp tiếp tục thể hiện sự lệch pha khi được đánh giá là bán chạy nhất, nhưng những căn hộ thuộc phân khúc này lại chưa có nhiều sản phẩm trên thị trường. Điều này cho thấy triển vọng của phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp ở cả TPHCM và Hà Nội đều rất ít lạc quan.


Theo báo cáo của Savills Việt Nam, nguồn cung cho thị trường thứ cấp như biệt thự, nhà liền kề của Hà Nội với khoảng 40.000 căn từ 117 dự án, trong đó 93 dự án cung cấp sản phẩm dưới dạng hợp đồng mua bán, 24 dự án còn lại được giao dịch dưới dạng hợp đồng góp vốn, giá bán cũng đã có sự giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.


Savills nhận định nguồn cầu thị trường biệt thự, liền kề bị ảnh hưởng bởi lãi suất ngân hàng cao cũng như chính sách siết chặt tín dụng sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm 2012. Tình hình tương tự cũng được nhìn thấy ở phân khúc văn phòng cho thuê khi tỷ lệ trống rất cao trong quý I, trong khi cung vẫn không ngừng tăng ở cả TPHCM và Hà Nội, gia tăng áp lực lên phân khúc này.


Thị trường BĐS: Kỳ vọng khởi sắc quý III

Một góc khu dự án tại quận 7, TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Đã đến lúc mua vào?


Theo các chuyên gia BĐS, với tình hình thực tế và sự eo hẹp nguồn vốn, khả năng về sự hồi phục của thị trường BĐS trong quý II-2012 gần như không có. Câu hỏi được đặt ra là liệu đến lúc này giá BĐS đã "chạm" đáy như kỳ vọng của người dân hay chưa và liệu đã đến lúc mua vào?


Theo GS. Đặng Hùng Võ, người dân cần lựa chọn cụ thể từng dự án, nếu dự án “sạch”, tiến độ tốt, phù hợp với điều kiện tài chính của mình có thể mua bởi kỳ vọng vào sự giảm sâu hơn nữa của thị trường BĐS là rất khó. Điển hình là ở phía Nam giá đã giảm sâu đến mức gần như “chạm đáy”, còn ở miền Bắc một số phân khúc cũng đã giảm giá đến 20-30%.


Tin vui duy nhất của các chủ đầu tư trong quý II-2012 và có thể hâm nóng thị trường là việc Nhà nước có khả năng sẽ mua lại một số dự án BĐS để phục vụ cho tái định cư, hoặc cho thuê theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254).


Cụ thể, Chính phủ sẽ mua lại một số công trình, BĐS đang là tài sản thế chấp ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước.


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc làm này nhằm đảm bảo mục tiêu giảm nợ xấu ở các ngân hàng. Khi doanh nghiệp bán được hàng, thị trường sôi động trở lại mới có tiền trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định động thái này không phải để cứu doanh nghiệp BĐS đang trong cơn ế hàng.


Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế bình thường, doanh nghiệp không gặp khó khăn, Nhà nước vẫn có thể mua, nhưng mua ở thời điểm này có lợi vì giá rẻ. Tiền của Nhà nước sẽ không mất đi, bởi tài sản là BĐS luôn có giá đi lên trong trung và dài hạn.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.