Việc chậm tiến độ của hàng loạt dự án đã khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Đà Nẵng giảm mạnh.
Việc các dự án triển khai không đúng tiến độ đã làm nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường
(Dự án Thiên Bắc tại khu Đô thị Tây Bắc)

“Trước đây, tôi vẫn đánh giá cao thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng thông qua việc các chủ đầu tư luôn nghiêm túc trong việc đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng dự án trong cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay việc có quá nhiều dự án chậm hoặc giãn tiến độ đã khiến lòng tin của tôi vào thị trường này giảm đi rất nhiều, nếu không muốn nói là đã mất”. Đó là lời chia sẻ của một nhà đầu tư đến từ Hà Nội trong lần đi tìm hiểu thực tế tiến độ của một dự án tại khu đô thị Tây Bắc Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 6/2012.

Những lời hứa “suông”

“Chính sách nới lỏng tín dụng sẽ trở thành vô nghĩa nếu người tiêu dùng vẫn quay lưng với thị trường BĐS” – một chuyên gia cao cấp đã nhấn mạnh như vậy tại một hội nghị được tổ chức vào quý II/2012. Việc người mua quay lưng cũng là điều dễ hiểu, nhất là trước những lời quảng cáo, truyền thông quá sự thật về dự án hay việc thu xong tiền của nhà đầu tư nhưng dự án lại thi công dang dở, chậm tiến độ, thậm chí “trùm mền, đắp chiếu” hiện nay của một loạt chủ đầu tư.

Đơn cử một dự án căn hộ cao cấp nằm bên bờ Đông sông Hàn. Cuối năm 2011, khi tham gia chương trình giới thiệu nhà mẫu của dự án này, đơn vị phân phối và tiếp thị của dự án tuyên bố đã bán được hơn 50% trong tổng số 225 căn hộ của dự án – một con số mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận xét là “trong mơ” (giá căn hộ dự án này nằm trong khoảng 30 – 60 triệu/m2). Những diễn biến xung quanh dự án này đã chứng minh những thông tin vừa nêu chỉ là “thổi phồng” nhằm thu hút khách hàng quan tâm đến dự án. Bằng chứng là dự án này đã thay đổi đơn vị phân phối và tiếp thị vào đầu năm 2012 và mới đây nhất là việc kiện cáo, cắt hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công với nguyên nhân... nhà thầu chậm tiến độ (dự kiến công trình sẽ bàn giao vào quý I/2012 nhưng đến thời điểm này vẫn còn một số hạng mục dở dang). Ngoài dự án này, trên địa bàn TP Đà Nẵng còn phải kể đến một loạt dự án thi công cầm chừng hoặc đắp chiếu vô thời hạn như Công trình Golden Square khởi công từ đầu năm 2008, nhưng cho đến nay mới có khu nhà mẫu và lầu 1, lầu 2 đã đổ bêtông; Dự án Viễn Đông Meridian được Cty Cổ phần Địa ốc Viễn Đông VN làm lễ khởi công vào cuối tháng 7/2009, sau khi được cấp giấy phép xây dựng 14 tháng trước đó. Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2012 nhưng, cho đến nay, khu đất dành để xây dựng tòa tháp đôi 48 tầng, cao 220 mét này vẫn là bãi đất trống; Dự án Danang Center được khởi công từ tháng 3/2008 và chủ đầu tư tuyên bố sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011 nhưng cho đến nay, trên mặt bằng khu đất chỉ có một số cọc đóng xuống hố để làm móng đang rỉ sét;...

Nhận định về tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Hà – một chuyên gia bất động sản nhận định để triển khai một dự án bất động sản cần một lượng vốn rất lớn nhưng nhiều DN triển khai dự án chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng và tiền huy động từ nhà đầu tư nên khi các ngân hàng cắt các khoản vay thì dự án rơi vào tình trạng lao đao, chậm tiến độ, thậm chí là “treo” vô thời hạn.

Làm gì để lấy lòng tin ?

Muốn người tiêu dùng quay trở lại thị trường thì không có gì khác hơn là chính DN phải tự thay đổi.

Thực tế thời gian qua đã minh chứng việc các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết là một nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư đang mang tâm lý bi quan và chán chường, hoang mang, mất niềm tin vào thị trường. Và khi họ không muốn đổ tiền vào nữa, dẫn đến không thể bán được hàng nên việc thị trường đóng băng là tất yếu. Và nếu người dân không còn tin thì thông tin nhà nước giải cứu BĐS, thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để kích thích thị trường hay thậm chí ngân hàng giảm lãi suất và mở rộng cho vay tín dụng bất động sản cũng không có tác động nhiều. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, muốn người tiêu dùng quay trở lại thị trường thì không có gì khác hơn là chính DN phải tự thay đổi bằng cách làm ra những sản phẩm tốt, giá cả phù hợp với túi tiền của người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Long - giám đốc Cty BĐS Phú Lợi chia sẻ : những năm trước đây, khi khách hàng còn niềm tin, dù một động thái nhỏ chính sách của Nhà nước cũng giúp thị trường BĐS xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Còn ở thời điểm này, mặc dù chính sách thay đổi, lãi suất ngân hàng đã được điều chỉnh giảm nhưng thị trường vẫn trầm lắng. Do đó, theo ông Long, điều quan trọng hơn để thị trường BĐS phục hồi chính là vực dậy niềm tin của khách hàng bằng việc triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng như cam kết với khách hàng.

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.