Khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) khiến DN trong ngành tiếp tục gặp khó đủ bề. Trong đợt báo cáo tài chính quý II, đã có nhiều DN phải giải trình vì lỗ liên tiếp. Cũng có DN báo lãi, nhưng với một con số rất khiêm tốn. Trong khi đó, mặc dù lãi suất đã hạ nhưng vẫn chưa kích người dân vay để mua nhà.

Lãi suất hạ nhưng không dám vay

Sau khi NHNN đưa ra quyết định nới lỏng tín dụng để hỗ trợ thị trường BĐS và các DN tham gia trong lĩnh vực này thì hàng loạt các NHTM đã đồng loạt tung ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm hỗ trợ khách mua nhà. Các NH BIDV, Vietcombank đã đồng loạt công bố các gói tín dụng hàng nghìn tỉ đồng dành cho vay mua, sửa chữa nhà... với lãi suất thấp trong thời gian nhất định. Đáng chú ý, mới đây, NHTMCP Quốc tế (VIB) tung ra chương trình cho vay mua, xây, sửa nhà với lãi suất chỉ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức của gói tín dụng này là 1.000 tỉ đồng, thời gian áp dụng đến ngày 30.9.2012 hoặc khi giải ngân hết hạn mức. Hiện tại, nhiều NH khác cũng đã kéo lãi suất cho vay bất động sản xuống mức 13%-13,5%/năm...

Thời gian trước đây, với các chủ đầu tư dự án thì nguyên nhân thị trường đóng băng là do lãi suất lên cao, NH siết tín dụng nên người dân không có tiền mua nhà. Vậy nhưng khi các NH bắt đầu “mở lòng”, ai cũng nghĩ rằng thị trường sẽ được hâm nóng. Nhưng không, thị trường vẫn lặng sóng và khá “dè dặt”. Song song với các gói tín dụng của các NHTM dưới hình thức hỗ trợ, nhiều chủ đầu tư còn có những chương trình hỗ trợ thêm phần lãi suất cho khách hàng thêm 4-5% nữa. Động thái này được đánh giá là đã thu hút được sự chú ý của người mua nhà đang “khát vốn”. Tuy nhiên, theo nhận xét từ một số chủ đầu tư ở các dự án thì nhiều khách hàng tỏ ra thận trọng. Chủ một dự án nhà ở tại quận Bình Tân cho biết, mặc dù đã công bố chương trình hỗ trợ đó là chỉ đóng 35%, kèm theo đó là được NH cho vay mua nhà có hỗ trợ lãi suất nhưng khách hàng cũng chỉ tìm hiểu là chính, chứ để đi đến hợp đồng mua bán thì chưa có nhiều. Đã hơn 1 tháng kể từ khi công bố ra chương trình dù chỉ bán vài chục căn, nhưng số hợp đồng đã ký kết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vấn đề được nhiều người vay tiền mua nhà hiện nay quan tâm là sau thời gian hỗ trợ lãi suất thì NH sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào, và điều gì chắc chắn rằng lãi suất mới không tăng vọt. Anh Việt ở TPHCM có nhu cầu vay mua nhà, nhưng sau khi tìm hiểu thông tin anh nhận xét các NH chưa thực sự “cởi mở” với khách hàng vay tiền mua nhà. Bởi trong hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn, các NH chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất “rẻ” khoảng 3 - 6 tháng. Trong khi thời gian trả nợ có thể kéo dài 3 - 5 năm. Hơn nữa, tại nhiều NH chưa giảm lãi theo đúng cam kết. Vì vậy, thật sự không dám vay tiền để mua nhà.

Lo lắng với kết quả kinh doanh

Lãi suất đã bắt đầu hạ dần nhưng một điều ai cũng dễ dàng nhận ra rằng cho đến lúc này, niềm tin của người mua vào thị trường đang thật sự rất hoang mang. Trong bối cảnh đó, nhìn vào các báo cáo tài chính quý II của các DN BĐS, chúng ta có thể thấy áp lực bán hàng và gánh nặng chi phí lãi vay đang làm cho các ông chủ phải đau đầu như thế nào. Vấn đề đáng lưu chí ý hơn chính là việc hàng tồn kho không có dấu hiệu giảm, với nhiều DN đang “chất đống” hàng nghìn tỉ đồng. Trong số các DN BĐS niêm yết, QCG đang dẫn đầu bảng với lượng tồn kho lên tới 2.846 tỉ đồng, kế đến là SCR với 2.496 tỉ đồng, ITC 1.813 tỉ đồng...

Hàng hóa không thể bán cũng đồng nghĩa câu chuyện lỗ là điều tất yếu hoặc có ghi nhận lãi thì cũng chỉ là “tượng trưng” nếu so với quy mô VĐL. Mới đây, CTCP DV và XD Địa ốc Đất xanh (DXG) vừa phải giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý II/2012 so với cùng kỳ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Cty mẹ, thu nhập sau thuế quý II đạt 2,28 tỉ đồng, giảm 79,9% so với mức 11,4 tỉ đồng đạt được trong quý II/2011.

Theo báo cáo tài chính của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), trong 6 tháng đầu năm nay, DN này chỉ lãi trên 10 tỉ đồng. Nếu so sánh với vốn điều lệ 600 tỉ, số lãi như vậy cho thấy hiệu quả hoạt động có lẽ là điều ít có cổ đông nào cảm thấy hài lòng. CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), báo lãi 361 triệu đồng quý II, lũy kế 6 tháng lãi 2,1 tỉ đồng, không khá hơn so với cùng kỳ năm 2011. Báo cáo hợp nhất quý I/2012 cho thấy, QCG lỗ gần 4 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh không khả quan của các DN có thể hiểu nó đang bị chi phối khá lớn từ thị trường và bên cạnh đó là vấn đề chi phí lãi vay. Trong 6 tháng đầu năm, con số chi phí lãi vay của QCG là 42,33 tỉ đồng, HQC 38,6 tỉ đồng, Phát triển Nhà Thủ Đức - TDH 23,7 tỉ đồng... Những kết quả trên đang cho thấy một thực tế khó khăn của nhiều DN BĐS. Và nếu cứ tiếp tục phải trả lãi vay, hàng tồn kho không cải thiện thì điều gì đến sẽ phải đến...

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.