Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến quý I-2013, sản phẩm bất động sản tồn kho tiếp tục tăng. Về căn hộ, hàng tồn kho tăng thêm 20%, gần 34 nghìn căn hộ, đất nền tăng thêm 3%, tương đương một triệu đồng/m2. Ước tính tổng giá trị hàng tồn kho khoảng hơn 111.900 tỷ đồng, trong đó tại Hà Nội, tồn kho bất động sản trị giá hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Công ty CBRE Việt Nam, Hà Nội còn tồn kho khoảng 20 nghìn căn hộ chung cư, là những căn do các chủ đầu tư chào bán nhưng không tìm được người mua. Năm 2012, thị trường căn hộ chứng kiến nguồn cung chào bán mới sụt giảm mạnh (giảm 65% so với năm trước), chủ yếu do các chủ đầu tư trở nên thận trọng từ nửa cuối năm 2011 khi thị trường bắt đầu đóng băng. Trong khi đó, số căn hộ hoàn thiện trong năm 2012 lại tăng mạnh. Bước sang năm 2013, nguồn cung hạn chế, từ đầu năm đến nay, thị trường chỉ có thêm vài nghìn căn, tập trung chủ yếu vào phân khúc căn hộ giá thấp (dưới 18 triệu đồng/m2).

Mặc dù Chính phủ đã và đang có những giải pháp kích thanh khoản trên thị trường bất động sản, song hoạt động mua bán vẫn rất ảm đạm, giá nhà ở có chiều hướng đi xuống. Từ đầu năm đến nay, thị trường hoàn toàn thuộc về người mua với các mức giảm giá mạnh. Các giao dịch thứ cấp cũng giảm để chuyển sang giao dịch sơ cấp (trực tiếp từ chủ đầu tư đến người mua, không qua khâu trung gian). Các cá nhân cắt lỗ lớn trên thị trường thứ cấp với mức giá giảm có thể lên tới 30-40% mức giá mua vào. Hiện nay, các căn hộ có giá khoảng 18 triệu đồng/m2 tăng 80% so với trong vòng năm năm trở lại đây. Ðáng chú ý, người mua nhà chủ yếu để ở, hạn chế nhiều yếu tố đầu cơ như vài năm trước.

Theo số liệu mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có 370 dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở thương mại đã và đang được triển khai, trên tổng diện tích đất 17.765 ha. Các dự án này cung cấp khoảng 520.700 căn hộ, trong đó có 346 nghìn căn hộ chung cư và 174 nghìn căn hộ thấp tầng. Với nguồn cung khá lớn đã và đang được đẩy ra thị trường, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã nhận định, cần ít nhất từ 5 đến 10 năm nữa mới tiêu thụ hết lượng sản phẩm bất động sản hiện có. Với hàng trăm dự án vẫn còn nằm trên giấy, có lẽ sẽ phải cần 20 - 30 năm nữa mới tiêu thụ hết. "Hàng tồn kho trên thị trường bất động sản khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Kể cả các cơ quan quản lý thực hiện cải cách hành chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì ít nhất cũng hơn hai năm nữa, thị trường mới chuyển dịch rõ ràng" - một chuyên gia nhận xét và cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu do các cơ quan quản lý thiếu tầm nhìn về quy hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến "lệch pha" khi quá chú trọng phát triển nhà ở thương mại, mà bỏ quên nhà ở xã hội.

Ðể "phá băng" trên thị trường bất động sản, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra và hiện các cơ quan quản lý đang thực hiện hai biện pháp gồm: giảm lãi suất và "bơm" tín dụng. Tuy nhiên, thị trường chưa có phản ứng tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi là cung cầu chưa gặp nhau, bởi giá sản phẩm dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao. Trong khi đó, người có nhu cầu về nhà ở rất lớn, song chưa mua được nhà vì không đủ khả năng tài chính. Việc giải cứu thị trường bất động sản vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất. Với những người không tán đồng thì cho rằng, chưa nên giải cứu bất động sản, bởi đây là thời điểm tốt nhất làm trong sạch thị trường, loại bỏ được doanh nghiệp yếu kém, chụp giật. Nếu vẫn ưu ái các doanh nghiệp bất động sản, thì không loại trừ khả năng trong tương lai, chúng ta lại đối mặt với những vấn đề hôm nay đang gặp phải.

Nguyễn Vũ (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.