Thị trường bất động sản (BĐS) đang đứng trước những thử thách. Xu thế dịch chuyển theo quán tính hay tín hiệu mới sẽ làm chủ thị trường trong những tháng cuối năm này? Lựa chọn của thị trường trong những tháng cuối năm sẽ là câu trả lời cho cả năm Quý Tỵ sắp tới.
Không chỉ một màu xám

Đến tháng 9, câu chuyện về thị trường BĐS vẫn loanh quanh với nỗi lo phá sản, hàng tồn kho, giảm giá, phá giá... Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm vẫn có những tín hiệu tích cực. Theo ông Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, có một số dự án đi vào hoàn thiện, giao nhà sau rất nhiều lần chậm trễ. Đây là một tín hiệu tốt cho thị trường. Thực chất những dấu hiệu của sự phục hồi trên thị trường dưới tác động của chính sách vĩ mô và điều hành kinh tế.

Ông Chung phân tích, việc một số dự án đi vào hoàn thiện đã nói lên nhiều điều. Một là, vốn đã đến với những dự án này. Có thể, các chủ dự án đã thu xếp được tài chính dưới tác động của chính sách. Hoặc, các nhà đầu tư đã có niềm tin trở lại với những dự án này. Khả năng vay vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp có dự án sắp hoàn thành được tính đến từ cuối năm 2011 dưới tác động của chính sách mở nguồn tín dụng cho một số nhóm kinh doanh BĐS của Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, khả năng vốn hóa, tính thanh khoản từ các dự án. Một khi dự án được kết thúc đầu tư, khả năng vốn hóa trở nên hiện thực. Một lượng tiền mới sẽ dược tạo ra. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng tăng cường vốn trong bối cảnh còn khó huy động từ ngân hàng, nhà đầu tư. Ba là, có thể hy vọng vào các dự án gối đầu với những dự án này.

Thị trường bất động sản có chiều hướng tăng nhẹ. Ảnh: Nguyễn Anh

Qua trao đổi với một số doanh nghiệp BĐS có thể thấy, bên cạnh những lời "than" khó tiếp cận vốn và lãi suất vẫn ở mức... chưa chấp nhận được, vẫn có doanh nghiệp tỏ ra hài lòng về những thay đổi trong điều hành tài chính, tín dụng thời gian gần đây. Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Him Lam Thủ đô cho biết, doanh nghiệp này không gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ phía ngân hàng, vấn đề là ở tính khả thi của dự án và kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp.

Điều gì sẽ xảy ra những tháng cuối năm?

Đây là câu hỏi "trung tâm" của thị trường những tháng cuối năm. Không đưa ra các kịch bản theo kiểu truyền thống, ông Chung đã phân tích các điểm tiêu cực và tích cực của thị trường BĐS, để phác họa bức tranh thị trường trong những tháng cuối năm.

Theo đó, năm 2012, Tết âm lịch sẽ đến muộn. Vì vậy, còn 5 tháng nữa để thị trường thể hiện. Sau khi lạm phát có thể kìm giữ ở mức chấp nhận được, tín dụng được nới lỏng nhất định. Tuy tăng trưởng không được cao như mong muốn, nhưng lượng tài chính giải ngân cho nền kinh tế cũng có thể được nới rộng. Cộng thêm các yếu tố như: quỹ tín thác bắt đầu đi vào thực tế, nhà giá thấp được chú ý... một xung lực tốt đang được vận hành. Bên cạnh đó, sau hai năm rưỡi, tính từ năm 2010 đến nay, thị trường trầm lắng và có thể nói đã ở vùng đáy, vì vậy thị trường phải đi lên - đây là một chu kỳ không thể khác. Dẫu rằng có thể có sự khác biệt giữa các địa bàn, loại hình sản phẩm, doanh nghiệp, nhưng xu thế chung là đi lên. Tuy nhiên, ông Chung cũng cho rằng, đây chưa phải là thời điểm để bùng nổ. Rất nhiều doanh nghiệp, dự án đang trong tình trạng khó khăn, nhiều khoản đầu tư đã thua lỗ.

Theo thông lệ, sau tháng 7 âm lịch, người mua, kẻ bán đều sẽ "rục rịch". Việc thị trường dịch chuyển theo hướng nào trong những tháng cuối năm sẽ tạo xu thế cho cả năm kế tiếp. Để tạo nên sự thay đổi thực sự, nguồn vốn cho thị trường là vô cùng quan trọng, song cấp thiết hơn là phá vỡ "rào cản" từ tâm lý chờ đợi của người mua.
Theo Hạnh Nguyên (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.