Theo TS Trần Kim Chung, do hệ thống luật pháp liên quan có hiệu lực nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn để thực thi còn chậm.

Từ đầu năm đến nay, nhiều chỉ số cho thấy, thị trường bất động sản đang tiếp tục ấm lên, không chỉ thu hút dòng vốn đổ vào thị trường mà giao dịch tăng, thanh khoản tăng, kể cả giá cũng có dấu hiệu tăng trở lại.

Vốn đầu tư, lượng giao dịch và giá nhà cùng tăng

Mặc dù mấy năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn FDI vẫn chảy khá đều vào lĩnh vực này khi liên tục đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung 4 tháng đầu năm nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với 10 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.


Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch bất động sản trong quý I tăng rất cao.

Trước đó, trong báo cáo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TPHCM quý I/2015 của CBRE, thị trường bất động sản xếp thứ hai trong tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, chiếm 9%. Trong quý I, có 19.000 công ty mới được thành lập, số lượng công ty bất động sản mới thành lập tăng 49% so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch bất động sản trong tháng 3 và quý I tăng rất cao. Trong đó, tại thị trường Hà Nội ghi nhận 4.250 giao dịch thành công, chỉ riêng tháng 3 có tới 1.500 giao dịch. Tại TP HCM, số giao dịch thành công trong quý I và tháng 3 lần lượt là 3.950 và 1.400 giao dịch.

Có thể thấy, trong quý I, trên hai thị trường lớn nhất cả nước đã có ít nhất 8.200 sản phẩm bất động sản được giao dịch mua – bán thành công, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, lượng bất động sản tồn kho đã giảm gần 58.000 tỷ đồng, còn khoảng trên 70.700 tỷ đồng.

Khảo sát của Savills Việt Nam thì cho thấy, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội quý I/2015 tăng 5,5 điểm theo quý và 11,5 điểm theo năm; chỉ số giá theo kỳ cũng tăng 1,8 điểm so với quý IV/2014. Cả chỉ số giá nhà ở theo quý và theo kỳ cơ bản đều có xu hướng tăng trong quý I. Cùng với đó, tỷ lệ hàng tồn kho giảm mạnh 5 điểm phần trăm theo quý và 34 điểm phần trăm theo năm do hoạt động tốt của toàn thị trường vẫn được duy trì. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức 43% tăng cả theo quý và theo năm.

Trong quý I/2015, giá nhà tại Hà Nội trung bình ở mức 25,5 triệu VND/m2, giảm hơn 1% theo quý do mức giá thấp hơn giá trung bình thị trường của những dự án mới. Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đinh và Tây Hồ có mức giá cao nhất do có vị trí trung tâm và chất lượng cao của dự án.

Cùng thời điểm quý I, chỉ số giá nhà ở tại TP HCM ổn định theo quý và theo năm, tỷ lệ hấp thụ tăng 11 điểm phần trăm theo năm. Trong quý, khoảng 4.200 căn hộ được hấp thụ, tăng 3% theo quý và 167% theo năm. Đây là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý IV/2010.

Theo đánh giá của Savills, “nhiều sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng và sự tin cậy từ chủ đầu tư danh tiếng tiếp tục cải thiện lòng tin của người mua. Ngoài ra, đa dạng hóa các sản phẩm với kích thước nhỏ hơn trên thị trường góp phần mở rộng đối tượng khách hàng. Thị trường nhà ở phục hồi trong những quý gần đây với sự tăng thanh khoản của thị trường và cải thiện giá bán. Chỉ số giá theo quý được kì vọng sẽ ổn định trong những quý tới”.

Còn thách thức để lan tỏa sự ấm lên của thị trường tới nền kinh tế

Trước những chỉ số khả quan trên, TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bình luận: Nền kinh tế, suy cho cùng làm gì cũng tạo dựng ra "gương chiếu cho nền kinh tế" chính là hệ thống bất động sản. Từ cuối 2014 đến quý I năm nay, nền kinh tế đã phục hồi. Đối với thị trường bất động sản, biểu hiện là giao dịch tăng, tồn kho giảm, tín dụng tăng, loại hình giao dịch cũng tăng…. Các chỉ dấu này cho thấy một bước tiến của thị trường.

Chỉ rõ nguyên nhân thị trường có dấu hiệu ấm lên, ông Chung cho rằng: Nhờ hệ thống thể chế liên quan đến thị trường bất động sản đã có những thay đổi nhờ nỗ lực của Quốc hội đã thông nhiều văn bản pháp luật liên như về: doanh nghiệp; đầu tư; đầu tư công; nhà ở, kinh doanh bất động sản; luật đất đai… Trong đó, đặc biệt là Luật Nhà ở có bước tiến đột phá khi cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam, thể hiện chúng ta hội nhập sâu, đón đầu AEC và TPP, người nước ngoài sẽ đến Việt Nam làm ăn và sẽ mua nhà ở; Việt Nam đã đem cả đất đi hội nhập”.

Không những thế, về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan liên quan đã có một loạt văn bản liên quan nhằm hỗ trợ gỡ khó cho thị trường, trong đó phải kể đến hệ thống ngân hàng đã thúc đẩy gia tăng tín dụng cho bất động sản khi không những cho vay mà còn thúc đẩy cho vay. Lạm phát thấp, lãi suất thấp thì bất động sản tăng trưởng.

Về kinh tế vĩ mô, theo ông Chung, nền kinh tế thời gian gần đây có tăng trưởng tốt, lạm phát thấp. Nhờ đó, thị trường bất động sản vốn là “van xả” của lạm phát, nên khi lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao thì giá bất động sản sẽ tăng.

Hiện tại, thị trường bất động sản, theo ông Chung, “đang có thuận lợi. Tuy nhiên, để lan tỏa sự ấm lên của thị trường này tới nền kinh tế thì có nhiều thách thức. Chẳng hạn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý nợ xấu chưa đủ rõ ràng. Vì giao giao dịch với chủ thể có nợ xấu rất nguy hiểm, nhưng ở nước ta hiện không có thông tin tường minh cho biết ai đang có nợ xấu.

Hơn nữa, dù nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực trong năm nay, nhưng khó có thể kịp thực thi hiệu quả vì hiện đã là tháng 5, liệu hệ thống văn bản hướng dẫn thi có kịp để áp dụng từ 1/7/2015?

Việt Nam hướng tới mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh tế nhưng liệu có chuẩn bị kịp thời để hội nhập thực sự?”./.

Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.