Xi măng dự kiến sẽ dư thừa hàng triệu tấn, thép cũng trong tình cảnh tương tự. Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và cơ cấu sản xuất, liên kết sáp nhập là hai biện pháp được hai ngành này đề ra để tháo gỡ khó khăn trong 2012.

Tăng trưởng thấp nhất cả giai đoạn

Đã có 5 - 6 doanh nghiệp (DN) ngành thép phá sản, nhiều DN tạm ngừng sản xuất trong 2011. Công suất toàn ngành dự kiến sẽ giảm 25 - 30%. Tuy nhiên, dư thừa công suất vẫn tiếp tục là bài toán khó với ngành này trong 2012.


Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, nhận định tình hình khó khăn của các tháng đầu quý I sẽ còn ảnh hưởng và lan sang đầu quý II. Các điều chỉnh của Nhà nước về chính sách tài chính sẽ tác động vào thời điểm cuối năm 2012. Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6% thì khả năng sản xuất và tiêu thụ thép sẽ chỉ tăng 3 – 4% so với năm 2011. Theo ông Cường, con số này không được như mong đợi của ngành là ở mức 9 – 10%. Và so với thời kỳ tăng trưởng đỉnh 2005 - 2009, mỗi năm trên 20% thì kế hoạch tăng trưởng năm 2012 của ngành thép đã giảm xuống 6 - 7 lần.

Tương tự, ngành xi măng đã thấy rõ tình trạng thừa trong khi giá thành đầu vào sẽ tăng cao. Dự kiến, tổng lượng tiêu thụ năm 2012 chỉ bằng hoặc tăng 2 - 3% so với năm ngoái, xấp xỉ 50 triệu tấn. Và nếu 8 nhà máy theo quy hoạch đi vào hoạt động đúng tiến độ, lượng dư thừa có thể lên tới hàng triệu tấn. Trong khi đó, theo nhận định của các doanh nghiệp xi măng, điện đang rình rập tăng giá, rất có thể tăng luôn trong quý I, giá than cũng sẽ tăng. Giá thành xi măng sẽ phải tăng theo. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tăng giá với xi măng dường như bất khả thi. Nên cân đối giữa tăng giá bán ra và giá thành sản xuất đầu vào để không bị thua lỗ, phá sản là bài toán rất khó.

Thép, xi măng 'khủng hoảng thừa'
Sẽ có những thương vụ mua bán, sáp nhập của thép và xi măng trong 2012. Ảnh: Như Ý

Sẽ có mua bán, sáp nhập?

Theo báo cáo kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, quý IV.2011, nhiều doanh nghiệp xi măng đã thua lỗ. Điển hình là Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly, riêng quý IV đã lỗ 3,8 tỷ đồng. Nhận định về những khả năng xấu nhất với các doanh nghiệp ngành xi măng, ông Thiện cho rằng: “Điềm xấu phá sản thì theo tôi chưa đến trong năm 2012, nhưng có thể một số nhà máy năng lực yếu kém sẽ rơi vào tình trạng mua đi bán lại, hoặc phải sáp nhập”. Dự báo của ông Thiện, có thể vài nhà máy rơi vào tình cảnh trên.

Trong cuộc cạnh tranh để tồn tại khi dư thừa công suất của hai ngành, cơ hội sẽ dành cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị tốt và hệ thống phân phối mạnh. Ông Phạm Chí Cường cho hay, các doanh nghiệp thép sản xuất manh mún khó tồn tại trong 2012. Nên những dây chuyền, công nghệ lạc hậu buộc phải cơ cấu lại, bán cho những nhà đầu tư có tiềm năng. Tương tự, doanh nghiệp ngành xi măng muốn tồn tại cần nhanh chóng tìm cách giảm giá thành, nâng cao năng suất, công nghệ, tiết kiệm chi phí quản lý tối đa. Tuy nhiên, theo ông Thiện, làm được điều này không phải dễ.

Ngoài ra, một giải pháp hai ngành này phải đẩy mạnh là tìm kiếm thị trường mới để tăng lượng xuất khẩu. Với ngành thép, giải pháp này khả quan hơn. Dù đang phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá từ thị trường Mỹ nhưng thị trường xuất khẩu hiện không bó hẹp trong khu vực mà đã sang các nước Trung Đông. Song xi măng thì vô vàn khó khăn khi sự khó khăn toàn cầu đang giống nhau và chưa có triển vọng thị trường mới.

Theo Bảo An (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.