Việc nhập khẩu thép ồ ạt dưới danh nghĩa thép hợp kim khiến thị trường thép trong nước gặp nhiều khó khăn.

7 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu trên 400.000 tấn thép hợp kim. Việc nhập khẩu thép ồ ạt dưới danh nghĩa thép hợp kim khiến thị trường thép trong nước gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Bộ Công thương sẽ có động thái gì giúp ngành thép ổn định sản xuất trở lại?

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về vấn đề này.

** PV: Thưa ông, việc nhập khẩu lượng lớn dưới danh nghĩa thép hợp kim vào nước ta đã gây nên những hệ lụy gì cho nền kinh tế?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Từ đầu năm đến nay đã có hiện tượng, thép chứa Bo chủ yếu từ Trung Quốc vào Việt Nam, chiếm mất thị phần của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thứ hai, làm thất thu thuế của Nhà nước khá lớn. Đây là nguy cơ Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ cần có những biện pháp để chấn chỉnh kịp thời, bởi thép chứa Bo khi nhập vào Việt Nam được xác định là thép hợp kim, cho nên thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 5% xuống 0%. Thực tế loại thép này không phải là thép hợp kim mà họ chỉ cho thêm một lượng Bo nhất định. Họ khai báo như vậy để trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh đối với thép sản xuất trong nước, đây là việc mà chúng tôi nghĩ cần phải có những biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng này.

Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ra thông tư để quản lý chặt chẽ hơn các loại thép nhập khẩu gian lận, giúp cho sản xuất của ngành thép trở lại bình thường. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

** PV: Trước thực trạng này, ông có thể cho biết là cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Công thương có động thái gì để giúp ngành thép ổn định sản xuất không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Hiệp hội Thép đã báo cáo với Bộ Công thương cũng như các bộ có liên quan để có biện pháp cụ thể. Chúng tôi được biết, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ra thông tư để quản lý chặt chẽ hơn các loại thép nhập khẩu gian lận, giúp cho sản xuất của ngành thép trở lại bình thường. Bởi vì trong năm nay, tình hình tiêu thụ thép, đặc biệt là đầu ra đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế trong nước phát triển chậm lại, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép cũng giảm đi. Có thể trong tháng 9 hoặc tháng 10 sẽ có thông tư liên tịch để hạn chế việc này.

** PV: Thưa ông, ông kỳ vọng gì ở thông tư này?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Việc Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ra văn bản này là việc rất tích cực. Nếu các cơ quan thống nhất thực hiện tốt, đây sẽ là biện pháp tốt nhất nhằm hạn chế việc gian lận thương mại, đặc biệt là những loại thép hợp kim chứa Bo để trốn thuế, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thép trong nước. Cho nên việc ra thông tư là cần thiết và phải nhanh chóng.

** PV: Vâng, xin cám ơn ông!

Chung Thủy (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.