Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có được một giá điện riêng, hợp lý theo hướng tăng lên cho ngành thép. Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại cho rằng: Tăng giá là phải tăng đều cho các lĩnh vực, chứ chỉ tăng riêng ngành thép là không công bằng.

Thêm áp lực lên ngành thép

Kiến nghị ngừng xuất khẩu thép

Bộ Công Thương khẳng định, chỉ riêng năm 2010, ngành điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỷ đồng. Chỉ riêng các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép đã được hưởng lợi hơn 506 tỷ đồng từ giá điện. Lý do đưa ra là, sản xuất thép và xi măng tiêu thụ 11% tổng lượng điện thương phẩm (982 triệu KWh) nhưng giá điện phải trả chỉ có 914 đ/KWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2010 là 1.180 đ/KWh. Cuối năm 2011, EVN đã được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân lên 1.304 đ/KWh. Còn giá bán điện sinh hoạt hiện nay trung bình 1.400 đ/KWh.

Theo ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất vì chúng ta không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều điện. Như vậy có nghĩa điện sinh hoạt đang phải bù lỗ cho điện sản xuất. Ông Cường cũng cho rằng, nếu để giá điện bán cho sản xuất sắt thép thấp như vậy sẽ dẫn tới xuất khẩu nhiều. Để hạn chế, có thể kiến nghị Bộ Tài Chính không cho xuất khẩu sắt thép nữa để tránh tổn thất điện năng. Thời gian tới, nếu cần thiết sẽ trình Chính phủ cơ chế giá điện riêng cho sắt thép, xi măng.

Ngành thép càng thêm khó

Tuy nhiên, khác hẳn với quan điểm của ngành điện, ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch VSA lại cho rằng, tính toán như vậy là không công bằng với ngành thép. Theo ông Nghi, giá điện hiện nay chỉ chiếm có 0,7% tỷ suất giá thành cho lĩnh vực cán thép, còn trong lĩnh vực luyện phôi thép chiếm từ 5 - 6%. Điều đó có nghĩa, điện không phải là yếu tố quan trọng cấu thành nên giá thép. Thậm chí trước đây, VSA đã từng kiến nghị, thà EVN tăng giá điện mà có đủ nguồn điện còn hơn là giá rẻ mà thiếu dẫn tới sản xuất cầm chừng. Thế nên, ông Nghi cho rằng, VSA ủng hộ việc đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng khi tăng giá là phải tăng đồng đều tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng gì thép. Thép là ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực xây dựng, đầu tư, BĐS. Nếu tăng giá riêng cho thép trong bối cảnh hiện nay thì thị trường khó mà chấp nhận được.

Trước đây, EVN đã từng yêu cầu một số nhà máy thép lớn tiêu tốn nhiều điện năng phải tự làm lấy nhà máy điện. Và cũng có ý kiến cho rằng, giá điện của Việt Nam rẻ đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sắt thép. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA khẳng định: Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư thép vì nhận thấy nhu cầu thép của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có một dự án cán nguội ở Bà Rịa - Vũng Tàu công suất 1 triệu tấn/năm là sử dụng điện của EVN. Còn các dự án thép FDI hoặc liên doanh khác, tiếng là quy mô lớn đấy nhưng đến bây giờ đã có cái nào đi vào sản xuất được đâu. Thế nên, điện của EVN chủ yếu vẫn là DN trong nước sử dụng.

Các chuyên gia và một số DN thép cho rằng, nếu cấm không cho xuất khẩu thép nữa thì thực sự đã đẩy ngành thép vào tình thế khó hơn nữa, tuy rằng lượng xuất khẩu hiện nay chỉ vài trăm nghìn tấn. Bộ Công Thương đã từng có tờ trình kiến nghị Chính phủ đánh thuế xuất khẩu thép từ 1,5 - 3% với lý do tiêu thụ điện nhiều. Hiện công suất thép trong nước đã vượt gấp đôi nhu cầu. Lượng thép tồn kho còn đủ dùng cho vài tháng mà không cần sản xuất thêm. Trong khi thị trường trong nước đang ế ẩm, cung vượt quá cầu, tìm hướng xuất khẩu thép là tất yếu để tránh tồn kho. Vậy nên, với lượng thép xuất khẩu ít ỏi như trên thì cấm xuất khẩu thép để tránh tổn hao điện năng là không khả dĩ, chưa kể đầu ra cho thép sẽ càng khó khăn hơn. VSA cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ nên tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thép để giảm thiểu tỷ lệ nhập siêu, và tháo gỡ đầu ra cho thép.

Vậy nên, các chuyên gia cho rằng, có tăng giá điện riêng cho ngành thép hay không cần tính tới lợi ích chung của DN và cộng đồng, chứ không chỉ của riêng ngành thép hay EVN.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA: Nếu nói ngành thép tận dụng điện giá rẻ để xuất khẩu là không đúng bởi thực chất nếu đầu tư lớn, quy mô thì họ sẽ làm nhà máy điện ngay trong nhà máy thép, tức là sử dụng chu trình khép kín từ việc sử dụng khí của nhà máy để phát điện, điện đấy mới cung cấp cho sản xuất thép mới đủ. Họ chỉ mua điện khi cần sửa chữa lò mà thôi.

Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.