Tinh vi và “hiểm” hơn trên “sàn đấu thầu” đang dần lộ diện khi các bên muốn “đến với nhau” trước khi gói thầu được thực hiện theo khẩu hiệu: Công khai, minh bạch. Những cái “bắt tay” trong đấu thầu được ví như bản hợp đồng đã soạn sẵn chỉ chờ các “kép” hoàn thành “vai diễn” một cách chuyên nghiệp nhất...
Những ván bài... ngã ngửa
Trong quá trình thâm nhập vào “thế giới ngầm của đấu thầu”, PV mới vỡ ra một “nguyên lý” mang tên: “Bắt tay”. Tức là có trường hợp, chủ đầu tư có ý dành một “ghế” trước cho nhà thầu ruột, nhưng được chọn lựa. Muốn làm như vậy, chủ đầu tư phải dựng lên những tiêu chí khiến các nhà thầu khác “nhìn qua” cũng phải lè lưỡi, lắc đầu mà không thể vặn vẹo. Để hoàn thiện “tác phẩm kinh điển” này, đòi hỏi chủ đầu tư lẫn nhà thầu được chọn phải đạt đến độ tinh túy cộng với một đơn vị tư vấn xây dựng HSMT...
đẳng cấp. Thế nhưng, “cái kim” không thể nằm được mãi “trong bọc”, cũng giống như một vở diễn hay không tránh khỏi những hạt sạn. Với những người thạo nghề, chỉ cần lướt qua một bộ HSMT được dàn dựng hay không, họ đều có thể đọc vanh vách ra các chiêu trò đang được ẩn ngầm phía trong đó.
Chuyện chẳng đâu xa, khi mới đây (ngày 17/3/2014), tổng công ty Khánh Việt (tỉnh Khánh Hòa) phải “cắn răng” ra quyết định hủy quyết định phê duyệt HSMT giá trị gần 40 tỉ đồng đã phê duyệt do lỗi chủ đầu tư lập HSMT có điểm chưa phù hợp với Thông tư 01/2010 của bộ KH&ĐT... Việc tự hủy chính quyết định phê duyệt HSMT của đơn vị này, nhìn bên ngoài có phần trung thực và trách nhiệm, nhưng kỳ thực khi PV bản báo đi sâu tìm hiểu, mới thấy sự vụ không hề đơn giản như ta nghĩ.
Được biết, khi tiến hành mở gói thầu Xây lắp văn phòng công ty TNHH Thương mại Khatoco (thuộc tổng công ty Khánh Việt), một số nhà thầu đã lên tiếng phản ánh về việc, chủ đầu tư tự ý “ra đề bài” theo chủ ý riêng để loại các nhà thầu khác. Theo đó, trong HSMT đã đưa ra tiêu chí yêu cầu nhà thầu phải nộp bản chụp được chứng thực báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong ba năm gần đây. Tiêu chí này được xem là không phù hợp với các quy định về đấu thầu và có ý đáp ứng cho một nhà thầu nào đó trúng thầu. Tuy nhiên, kiến nghị trên nhanh chóng bị dập tắt khi chủ đầu tư vẫn khăng khăng trả lời các nhà thầu rằng mình đang làm... đúng luật. Chỉ đến khi sự vụ vỡ lở, cục Quản lý Đấu thầu (bộ KH&ĐT) tức tốc có văn bản chỉ đạo, tổng công ty Khánh Việt mới buộc phải chấp nhận hủy quyết định phê duyệt HSMT này.
Tương tự, gói thầu Xây lắp nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ, trụ sở chi cục Thuế huyện Gia Lộc (Hải Dương) cũng chính thức được cục Quản lý Đấu thầu cho ý kiến về những vi phạm quy định trong công tác đấu thầu của chủ đầu tư là cục Thuế tỉnh Hải Dương trong việc xây dựng HSMT... “không giống ai”. Đây không phải lần đầu đơn vị này “dính” đến những lình xình xoay quanh chuyện đấu thầu.
Đáng nói, trong quá trình tìm hiểu, PV còn phát hiện, trước đó, cục Thuế tỉnh Hải Dương còn bị vạch lỗi vi phạm trong quá trình đấu thầu ở dự án khác là gói thầu xây dựng trụ sở chi cục Thuế huyện Kim Thành. Theo HSMT, chủ đầu tư đưa ra tiêu chí các nhà thầu phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm thi công các công trình xây dựng dân dụng. Ngoài ra, từ năm 2009 đến hết năm 2012 là nhà thầu chính đã hoặc đang thi công ít nhất năm công trình xây dựng dân dụng tương tự có kết cấu móng, cọc, bê tông, cốt thép và giá trị mỗi hợp đồng trên 10 tỉ đồng. Trong khi tại Thông tư 01/2010, bộ KH&ĐT – quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp chỉ yêu cầu số năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng từ ba đến năm năm; số lượng các hợp đồng xây lắp tương tự đã thực hiện từ một đến ba hợp đồng.
Trong HSMT của gói thầu này, chủ đầu tư cũng đưa ra tiêu chí: Doanh thu xây lắp của nhà thầu trong ba năm (2009, 2010, 2011) tính trung bình mỗi năm đạt từ 55 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, theo tính toán kỹ lưỡng của các nhà thầu, thì với tiêu chí, hạng mục đưa ra trong HSMT, mức yêu cầu doanh thu trung bình hàng năm cần đạt chỉ ở mức 30 tỉ đồng, chứ không cần đến con số ngất ngưởng 55 tỉ đồng như yêu cầu của chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh việc áp dụng các tiêu chí vượt khung quy định để đánh giá nhà thầu tham gia đấu thầu đạt, hoặc không đạt về năng lực và kinh nghiệm thi công công trình, chủ đầu tư còn “kê biên” những hạng mục hết sức mập mờ, khó hiểu trong HSMT, nhằm “bẫy” các nhà thầu. Khi được nhà thầu phản ánh, chủ đầu tư giật mình sửa sai bằng cách đổ lỗi do... nhân viên “đánh máy nhầm”.
Vì thế, các nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu trên cho rằng, việc một số nội dung mời thầu không nhất quán, không đúng Luật Đấu thầu đã làm mất đi tính cạnh tranh lành mạnh và sự bình đẳng giữa các nhà thầu. Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư đưa ra các tiêu chí nêu trên trong HSMT đã hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu. Những bất thường trong quá trình lập HSMT gói thầu trên, tạo ra nghi vấn việc tự ý nâng cao tiêu chí mời thầu so với quy định nhằm mang lại lợi thế cho một nhà thầu tham gia.
Mặc dù PV đã liên hệ nhiều lần nhưng cục Thuế tỉnh Hải Dương vẫn chưa có câu trả lời chính thức về những sự lạ trong đấu thầu ở hai địa phương trên, do Cục quản lý.
Thế giới ngầm đấu thầu: Đặt tiêu chí cho một nhà thầu “ăn chắc”?
Mổ xẻ chuyện “thông thầu” và “quân xanh, quân đỏ”
Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam ví von: “Học sinh giỏi thì sẽ đi thi đàng hoàng, chỉ có học sinh yếu, kém mới phải “chạy chọt” để xin điểm”. Tiến sỹ Liêm cho rằng, trong đấu thầu cũng vậy, doanh nghiệp có năng lực sẽ tham gia đấu thầu công khai, thường chỉ doanh nghiệp yếu kém về năng lực mới phải đi “chạy chọt” để được chỉ định thầu. Khi các doanh nghiệp không có năng lực mà được chỉ định thầu thì hậu quả tất yếu là công trình kém chất lượng, chậm tiến độ và chủ đầu tư cũng không thể quy trách nhiệm vì chính mình đã chọn trước cả chấm thầu.
Cũng theo tiến sỹ Liêm, “thông thầu” hay nói rộng hơn là gian lận bằng nhiều chiêu trò ma lanh trong đấu thầu để kiếm lợi bất chính, thực chất là hành vi tham nhũng. Tội danh này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ai cũng hiểu, “thông thầu” là thỏa thuận ngầm giữa một nhóm người trong một đường dây, lại được che giấu kỹ cho người tham gia đấu thầu, nên việc phát hiện với đầy đủ nhân chứng, vật chứng để có thể xét xử là không dễ dàng. Hơn thế, ma trận đấu thầu còn được sắp đặt ngay từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, xác định giải pháp thi công và xây dựng công trình.
Thế giới ngầm đấu thầu: Đặt tiêu chí cho một nhà thầu “ăn chắc”? Ảnh minh họa.
Luật Đấu thầu, tại Điều 18 quy định, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc nhằm tạo sự thuận lợi cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Thế nhưng, không phải đơn vị hay bên mời thầu nào cũng nghiêm túc tuân thủ quy định trên, họ tạo ra nhiều rào cản nhằm hạn chế các nhà thầu tham gia đấu thầu. Điều này xảy ra nhiều trong quá trình tổ chức đấu thầu ở lĩnh vực xây dựng các công trình thủy lợi, nhiều ban QLDA không đặt tiêu chí kỹ thuật, tầm quan trọng của công trình lên hàng đầu mà đưa ra những tiêu chí lựa chọn nhà thầu nhiều khi không mấy liên quan đến công trình, ông Liêm cho hay.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, vấn nạn “thông thầu” đã quá rõ ràng từ nạn “quân xanh, quân đỏ”, đến rút ruột công trình... Do vậy, tất cả các hành vi thông đồng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công, dù gây hậu quả nặng hay nhẹ, đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có vậy mới hạn chế được tình trạng “thông thầu” đang rất nhức nhối hiện nay. Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng, nên nghiên cứu kĩ lại phương thức tổ chức đấu thầu “tay đôi” như hiện nay, thành có định chế độc lập, “tay ba, tay tư” mà thông lệ quốc tế đang làm; trong đó người đứng ra tổ chức đấu thầu không có lợi ích liên quan...
Trần Quyết (ĐS & PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.