Thời điểm “khai tử” khung giá đất đã đến gần khi Chính phủ thừa nhận khung giá đất đã lạc hậu. Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng 30-60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường.

Việc áp dụng một mức giá quá rộng với biên độ chênh lệch giữa giá cao nhất và thấp nhất quá lớn dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi áp giá đất trong những trường hợp cụ thể. Trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất bỏ khung giá đất do liên bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường kiến nghị.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết Trung ương VII khóa XI và lãnh đạo TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, Hà Nội cũng đã thừa nhận khung giá đất của Chính phủ không theo kịp giá thị trường và việc chưa định lượng được thế nào là sát giá thị trường, thế nào là “trong điều kiện bình thường”, dẫn đến những bất cập trong giải phóng mặt bằng, những khiếu kiện kéo dài từ phía người dân.

Việc khung giá đất không có ý nghĩa thực tế đã được đề cập từ nhiều năm trước. Thậm chí đã trở thành một nút “thắt cổ chai” trong công tác đến bù giải phóng mặt bằng khiến cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp đau đầu. Nhưng việc bỏ khung giá đất không phải không mang đến những nỗi lo.

Theo một số ý kiến, khung giá đất nên ban hành ổn định 3-5 năm thay vì 1 năm một lần như hiện nay. Cũng có ý kiến cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn hình thức này, thay vào đó UBND cấp tỉnh, thành ban hành bảng giá và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.

Ý kiến thứ 2 đã nhận được nhiều đồng thuận và được đưa vào Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, việc hạn chế về năng lực quản lý đất đai đang khiến nhiều người lo ngại khi giao phó cho địa phương toàn quyền quyết định bảng giá đất. Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong xây dựng bảng giá đất là năng lực và thời gian đầu tư cho hoạt động này rất hạn chế.

Đến nay mới có 6/63 địa phương thuê tổ chức tư vấn giá đất làm dịch vụ xây dựng bảng giá đất. Điều này liệu có được cải thiện sau khi địa phương được tăng thêm quyền để định đoạt giá đất?

Mối lo ngại thứ hai là cơ chế giám sát, quản lý như thế nào để chính sách này không biến tướng. Nhiều chuyên gia BĐS đã khẳng định với một lĩnh vực sinh lợi quá cao như BĐS, nếu giám sát không chặt, không đúng, cho địa phương quản lý chưa chắc đã đạt được những kết quả như mong muốn.

Việc tìm một công cụ thay thế khung giá đất để làm thước đo cho thị trường hoàn toàn không đơn giản. Trong điều kiện thị trường BĐS loạn giá như hiện nay, việc này càng trở nên phức tạp.

Làm thế nào để tránh tình trạng giá đất tăng, giảm tùy tiện, tăng nghĩa vụ đóng góp của người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tiêu cực… khi bỏ khung giá đất, vẫn còn gây nhiều bàn cãi.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.