Cuộc chiến giành lại 160 tỉ đồng phí bảo trì 2% của Ban quản trị (BQT) và cư dân Keangnam từ chủ đầu tư vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Sự việc cho thấy, đã đến lúc cần có sự giám sát chặt chẽ khoản phí này ngay từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân ở chung cư nói chung.

Nhập nhằng từ những ngày đầu

Chung cư Keangnam được xây dựng từ năm 2008 và đến năm 2011 được đưa vào sử dụng với 922 căn hộ với tổng diện tích 133.000 m2, trên 8.300 m2 diện tích kinh doanh tầng nổi, trên 2000 m2 cho thuê bệnh viện, siêu thị tầng hầm, khoảng 10.000m2 nhà gửi xe…

Với giá bán trung bình là 60 triệu đồng/m2, quỹ bảo trì 2% của toàn bộ chung cư được BQT ước đạt 160 tỉ đồng.
Mặc dù ngay từ năm 2011, cư dân đã chính thức vào đây sinh sống nhưng phải đến năm 2012, tức là sau một năm, BQT tòa nhà mới được thành lập.

Cụ thể, năm 2012, UBND Huyện Từ Liêm đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu ra BQT cư dân Keangnam. Dù vậy, đến tháng 1.2013, BQT tòa nhà mới chính thức được công nhận về mặt cơ sở pháp lý.
Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28.5.2008 của Bộ Xây dựng, ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, quy định rõ khoản phí bảo trì 2% của nhà chung cư sẽ phải chuyển lại cho BQT sau khi được thành lập để duy tu, bảo trì tòa nhà.

Điều này đồng nghĩa với việc, số tiền quỹ bảo trì 2% chỉ được bàn giao khi BQT được thành lập. Như vậy, trong khoảng thời gian 1 năm, khi chưa có BQT, số tiền này nghiễm nhiên do chủ đầu tư thu.
Rõ ràng, khoảng trống về thời gian thành lập BQT chính là kẽ hở khiến số tiền quỹ bảo trì nhập nhằng ngay từ những ngày đầu.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Văn Công – Thường trực BQT nhà chung cư Keangnam cho biết: “Từ tháng 11.2012, BQT đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Keangnam mở ngay tài khoản tiền quỹ bảo trì tòa nhà 2% vào một ngân hàng ở Việt Nam có lãi suất tiền gửi tốt nhất và lập sổ theo dõi sử dụng quỹ này nhưng chủ đầu tư vẫn trì hoãn việc lập và bàn giao cho BQT”.

Mới đây, khi chủ đầu tư rao bán dự án với giá 770 triệu USD, cư dân Keangnam lại như “ngồi trên đống lửa” trước nguy cơ mất trắng quỹ bảo trì lên tới 160 tỉ đã đóng hoàn tất ngay từ khi mua nhà.

Không nên tạo tiền lệ xấu

Ngày 29.12.2014, Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam (Keangnam Vina) đã thông báo tổng quỹ bảo trì 2% và tiền lãi là 125 tỉ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng và phần diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại). Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng không chỉ ra được hiện nay quỹ này được gửi ở ngân hàng nào và hiện nay cộng cả gốc và lãi là bao nhiêu.
Nhìn nhận lại sự việc, anh Công cho rằng: “Thiết nghĩ, trong khoảng thời gian chưa thành lập được BQT, nhà nước có thể đóng vai trò trung gian, đứng ra thu tiền cho người dân. Sau khi thành lập BQT, số tiền này sẽ được nhà nước trao trả theo đúng luật định”.

Mặt khác, trong hơp đồng mua nhà, ngoài điều khoản bắt buộc đóng 2% quỹ bảo trì theo quyết định của Bộ Xây dựng, cần thiết nên có thêm điều khoản bổ sung trong trường hợp tòa nhà không may “sang tên đổi chủ”.

Để những chung cư khác có thể xử lý chặt chẽ khoản phí này ngay từ đầu, TS Vũ Đắc Độ (Nguyên Phó trưởng khoa Kinh tế, HVBC&TT) đưa ra kiến nghị: “Vấn đề quản lí quỹ bảo trì của các tòa chung cư hiện nay còn lỏng lẻo, khâu tuân thủ còn chưa chặt chẽ. Cần thiết có sự tham gia của các tổ chức tài chính trung gian là ngân hàng đứng ra thu và quản lý khoản phí bảo trì. Sau khi thành lập được BQT thì ngân hàng sẽ chuyển nhượng để quản lí. Quá trình giải ngân về sau cần có sự tham gia hai bên là chủ đầu tư và khách hàng. Trong đó, BQT đại diện cư dân, kiểm tra giám sát việc bàn giao và thực hiện đúng cam kết như hợp đồng”.

Trong trường hợp tòa nhà Keangnam được bàn giao cho chủ mới, ông Độ nhận định: Chủ mới có trách nhiệm yêu cầu tập đoàn Keangnam bàn giao đầy đủ khoản phí bảo trì khách hàng đã đóng, sau đó trao trả cho BQT kiểm tra, giám sát công tác duy tu, sửa chữa theo quy định của pháp luật.

“Nguyên tắc quan trọng nhất là cần minh bạch hóa đối với khách hàng, báo cáo công khai toàn bộ sổ sách về khoản phí này” – ông Độ nhấn mạnh.

Câu chuyện về phí bảo trì của tòa nhà Keangnam cũng chính là bài học cho cả BQT và cư dân sống tại các tòa chung cư khác trong tương lai. Rõ ràng, đây không phải là cuộc chiến đơn thương độc mã của một cá nhân. Tuy nhiên, ngoài số tiền 1,7 tỉ đã chi, rốt cuộc số tiền 160 tỉ của Keangnam đang ở đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Khánh Linh (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.