Thừa vì thiếu đồng bộ

Theo số liệu báo cáo của TPHCM thì hiện trên địa bàn thành phố còn 3.799 nền/căn hộ TĐC hiện còn dư thừa, chưa sử dụng. Còn theo tình hình báo cáo thì nhiều dự án dù đã chỉ định phân bổ nhưng người dân không dọn vào ở. Nguyên nhân cho việc “thừa” của quỹ nhà, đất TĐC chính là do cách bố trí nơi ở mới chỉ chú trọng đến công tác vận động người di dời để lấy mặt bằng mà chưa chú trọng đến đời sống của họ sau giải tỏa cũng như là điều kiện kinh tế của họ.

Thông tin từ UBND các quận, huyện của TPHCM cho thấy, có trên 50% số người dân bị di dời ở các dự án chọn phương án nhận tiền tự lo nơi ở mới. Trong đó nhiều hộ gia đình có cuộc sống khó khăn hơn trước khi bị di dời. Nguyên nhân chính là do họ không tìm được công việc phù hợp tại nơi ở mới. Còn theo điều tra của Cục Thống kê TP, hơn 26% số hộ dân tái định cư có thu nhập giảm sút so với trước kia.

Đơn cử như hơn 10 hộ dân phường 27, quận Bình Thạnh, hơn 3 năm qua vẫn bám trụ tại khu vực sạt lở này. Các hộ dân nơi đây phản ánh, phần vì số tiền đền bù không đủ để mua nhà nơi ở mới, phần vì khu ở mới là dự án TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cách xa quận Bình Thạnh hơn 30 cây số.

“Tiếng là KĐT mới nhưng mọi thứ vẫn chưa phát triển nên rất khó ổn định đời sống, hơn nữa việc học hành của con em cũng rất khó khăn” - ông Sơn - một người dân trong diện giải tỏa ngụ ở phường 27, Q.Bình Thạnh - tâm sự.

Đó chính là nguyên nhân khiến cho dự án Vĩnh Lộc B trở thành là một trong những dự án TĐC tồn kho “khủng”. Dự án được xây dựng “hoành tráng”, rộng hơn 30ha, vốn đầu tư 1.062 tỉ đồng, gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất dùng làm quỹ nhà TĐC cho các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Mặc dù đã bàn giao nhà từ năm 2010, nhưng hiện mới gần 200 căn hộ có người ở và 65 nền đất được xây dựng.

Trên địa bàn TP còn có hàng loạt dự án khác như khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9), với hơn 100 căn hộ dùng để bố trí TĐC cho dự án bắc Rạch Chiếc; chung cư Tân Hưng (Q.7) có 72 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2006; Tân Mỹ (Q.7) có 300 căn hộ... nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài hộ dọn về ở...

Một lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, khi quy hoạch khu TĐC thì bắt buộc phải có quy hoạch hạ tầng xung quanh, việc này chưa thực hiện đầy đủ vì NSNN khó khăn. Điều đáng nói là do trước đây nhà TĐC được thành phố triển khai theo từng dự án riêng lẻ và giao cho các quận, huyện quản lý nên đang có thực trạng là trong khi quỹ nhà TĐC của thành phố còn thừa thì người dân ở một số quận, huyện vẫn chưa nhận được nhà TĐC để ổn định cuộc sống.

Đơn cử như, chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn nhà phục vụ TĐC KĐT mới Thủ Thiêm (TPHCM) đang trong quá trình triển khai xây dựng; song tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 1/4 tổng quỹ nhà trên được hoàn thành và bàn giao do các Cty xây dựng chậm tiến độ thi công!

Không dễ “giải cứu”

Lãng phí đang là điều được nói đến với thực trạng “thừa” của quỹ nhà, đất TĐC. Không chỉ có các cơ quan nhà nước mới than về sự lãng phí, ngay cả các DN tham gia chương trình xây dựng nhà TĐC cũng kêu trời. Đơn cử như TCty Địa ốc Sài Gòn - chủ đầu tư dự án 481 Bến Ba Đình (Q.8) - cũng than thở, chung cư ba năm trời bỏ trống, chủ đầu tư phải gánh đủ thứ chi phí vô lý.

Chỉ tính riêng lãi vay, DN phải trả 13 tỉ đồng. Do lâu ngày không sử dụng, chung cư xuống cấp nhanh chóng, Cty phải trả vận hành, bảo quản, mất đứt hàng trăm triệu đồng mỗi năm... Ngoài ra, theo báo cáo thì số lượng nhà TĐC đã và sẽ xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới khá lớn. Trong khi đó, cơ chế mua bán, ràng buộc trách nhiệm chưa rõ ràng, người dân cũng không muốn vào ở nhà chung cư TĐC vì bất tiện cho sinh hoạt, phí hàng tháng...

Do đó, theo đánh giá của các DN, nếu TP không giải quyết những bất cập nói trên, sẽ dẫn đến tình trạng bội thực nhà chung cư.

Để có thể giải quyết vấn đề, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng phải làm việc với các quận huyện để phân bổ quỹ nhà 3.799 căn hộ và nền đất hiện nay từ nơi thừa sang nơi còn thiếu.

Tuy nhiên, điều khó giải quyết nhất chính là quỹ nhà TĐC đang “tồn kho” hiện tại. Mới đây, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất giải pháp chuyển từ nhà TĐC sang nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho TĐC, song nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc này làm không khéo thì sẽ đẩy tồn kho từ nhà TĐC sang tồn kho nhà ở xã hội!