Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (NH) bất ngờ tăng vọt trong ít ngày cuối tháng 7 vừa qua phần nào có thể chỉ bắt nguồn từ sự thiếu hụt cục bộ tại một số NH, nhưng phần nào cho thấy những tín hiệu đầu tiên về sự xáo trộn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Lãi suất trong hệ thống liên ngân hàng đang tăng nhiệt.

Lãi suất tăng nhiệt

Dấu hiệu tăng nhiệt trên kênh vay mượn vốn bắt đầu có dấu hiệu nóng trở lại trong các ngày cuối tháng 7 vừa qua. Ngay trong tuần đến ngày 25.7, mặt bằng lãi suất liên NH diễn biến theo xu hướng tăng mạnh trong hai phiên giữa tuần dù nhanh chóng giảm nhiệt trong phiên cuối tuần. Đáng chú ý trong hai ngày 23.7 và 24.7, lãi suất cho các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần bất ngờ tăng vọt lên mức 3,8-4,25%/năm. Giới chuyên gia đánh giá, đây đều là những mức cao nhất trong vòng gần hai tháng qua và gấp rưỡi so với trung bình các tuần gần đây.

Dù giảm nhiệt mạnh xuống chỉ còn khoảng 3% trong ngày sau đó, việc lãi suất liên NH bất ngờ tăng đột biến trong một vài ngày bước đầu cho thấy nguyên nhân có thể xuất phát từ sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một số NH. Đây cũng là những diễn biến cục bộ từng xuất hiện liên tục trong các tháng của quý II/2014 vừa qua. Diễn biến dễ nhận thấy nhất ngay từ đầu quý II là việc một số NH lớn thường xuyên chào nguồn ra thị trường ngừng chào nguồn, bắt đầu nhận nguồn và qua đó đẩy lãi suất tăng mạnh.

Trạng thái thanh khoản thị trường mất cân đối tạm thời chấm dứt vào giữa tháng 4 và chỉ nóng bỏng trở lại vào tháng 5 khi xuất hiện những căng thẳng chính trị tại Biển Đông khiến nhu cầu nguồn VND của các NH dùng để mua lại USD và giảm trạng thái âm tài khoản tăng đột biến. Sang tháng 6, mặt bằng lãi suất liên NH cũng tăng nhẹ vào cuối tháng do động thái tăng tỉ giá bình quân của NHNN và điều này buộc các NH dùng nguồn VND để mua vào USD trả lại trạng thái âm ngoại tệ.

Nhiều xáo trộn

Tuy nhiên, diễn biến tăng nóng của lãi suất liên NH trong tuần qua dường như chủ yếu đến từ nhu cầu vốn cục bộ thực sự của một số NH. Bởi với sự hỗ trợ kịp thời thông qua động thái bơm ròng vốn của NHNN qua kênh thị trường mở và một lượng vốn lớn hơn 3.000 tỉ đồng quay trở lại hệ thống NH qua kênh tín phiếu, mặt bằng lãi suất liên NH nhanh chóng bình ổn trở lại. Giới chuyên gia tài chính cho rằng, khác với các diễn biến tăng lãi suất ở thời gian trước, biến động lãi suất trên thị trường liên NH tuần gần đây được coi như những tín hiệu đầu tiên về sự xáo trộn thanh khoản trong hệ thống NH có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong nửa cuối năm nay.

Một minh chứng rõ rệt là trong tuần trước, chỉ có duy nhất một phiên bơm vốn qua thị trường mở (OMO) với lượng vốn bơm ra trong ngày 23.7 là 1.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là phiên mà lãi suất liên NH tại tất cả các kỳ hạn đồng loạt tăng cao đột biến (lên mức khoảng 4%). Động thái bơm ròng của NHNN với giá trị lên tới 1.000 tỉ đồng theo đó được xem là biện pháp hỗ trợ kịp thời về mặt thanh khoản cho các NH. Dù rằng về cơ bản, hoạt động bơm/hút ròng vốn qua kênh OMO của NHNN vẫn đang diễn ra khá nhịp nhàng, giúp điều tiết cung tiền ngắn hạn hợp lý, góp phần giữ vững sự ổn định cho thanh khoản toàn hệ thống.

Còn ở kênh tín phiếu, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sôi động với lượng đấu thầu thành công trong tuần đạt tới 15.551 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới 30% so với tuần trước đó. Việc kỳ hạn 91 ngày đạt giá trị lớn nhất tới 81% tổng lượng trúng thầu và ngày càng chiếm tỉ trọng áp đảo trong cơ cấu phát hành tín phiếu hàng tuần của NHNN phần nào cho thấy sự dồi dào thanh khoản của các NH trong thời điểm hiện tại, khi họ sẵn sàng đầu tư vào các kỳ hạn dài hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ tổng giá trị tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 18.681 tỉ đồng, có hơn 3.100 tỉ đồng quay trở lại hệ thống NH thông qua kênh tín phiếu và điều này góp phần quan trọng ổn định trở lại đối với mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH.

Với nhu cầu vốn phục vụ cho vay được dự báo tăng mạnh trong các tháng cuối năm, sự xáo trộn thanh khoản trong hệ thống NH có thể sẽ xuất hiện thường xuyên trong nửa cuối năm nay.

Văn Nguyễn (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.