Khi cả nước đổi mới, bước vào nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hà Nội vươn mình lột xác với tốc độ đô thị hóa nhanh. Những ngôi nhà cũ kỹ được phá đi để thay thế vào đó là các công trình mới có kiến trúc hiện đại to lớn, cao tầng.

Cả thành phố như một đại công trường. Bộ mặt kiến trúc Hà Nội không ngừng thay đổi. Nhiều tuyến phố, khu đô thị mới được xây dựng. Nhiều đại lộ rộng vài chục mét, đêm đêm sáng trưng đèn cao áp. Xe cộ nhiều vô kể, nhất là xe máy, ô tô. Khu phố cổ cũng dần thay đổi! Đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều nhà cao 4 - 5 tầng loang loáng cửa gương. Các khách sạn mini mặt tiền chưa đầy 4 m mà ngất ngưởng đến 6 - 7 tầng, kiến trúc không giống ai, mọc lên trong các con phố và cả trong ngõ hẹp của khu phố cổ. Hàng hóa giờ rất phong phú, nhiều chủng loại, nhưng chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Phố Thuốc Bắc trong khu phố cổ Hà Nội.

Các phố mang tên Hàng ngày trước giờ cũng không bán thuần một loại hàng hóa như tên phố nữa. Như phố Hàng Bạc, bên cạnh vài cửa hàng mua bán vàng bạc, đá quý là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng ăn, đại lý bán vé máy bay và khách sạn mi ni. Hay phố Lò Rèn thì nay cũng chỉ còn hai nhà kiên trì giữ nghề rèn truyền thống của dòng họ. Phố Thuốc Bắc, Hàng Thiếc... cũng vậy. Ngày đêm phố cổ vẫn tấp nập, kẻ bán người mua và du khách. Nhưng bán mua giờ đã khác, hàng thật hàng giả lẫn lộn, giành giật nhau vì một chút lợi nhỏ. Kinh tế thị trường ào ào như cơn lốc đã cuốn đi ít nhiều nếp kinh doanh, lối sống thanh lịch của người Tràng An thủa nào.

Khu phố cổ giờ dầy đặc người đến trú ngụ sinh sống. Người ta đã thống kê, tính đến năm 2009, mật độ dân phố cổ đã lên tới hơn 82.000 người/km2. Dù phải sống đông đúc, chật chội với hạ tầng kỹ thuật rất cũ kỹ, xập xệ, vệ sinh môi trường thấp kém... nhưng người ở đây chẳng mấy ai muốn ra đi. Bởi vì, ngoài lối sống, nếp sống đã thành thói quen và trở thành nét văn hóa riêng của khu phố cổ, thì một điều rất quan trọng là không đâu trong thành phố này lại dễ kiếm tiền như ở đây.

Chỉ cần một mét vuông kê vừa chiếc tủ bán hàng, sửa chữa kính, bút, đồng hồ... là đã có thể nuôi sống cả một gia đình 4 - 5 người. Chả thế mà đất ở khu phố cổ là đất vàng, đất kim cương! Nhiều kẻ sẵn tiền dám bỏ ra hơn trăm tỷ đồng để mua bằng được một ngôi nhà rộng chưa đầy trăm mét vuông có cửa hàng trên phố Hàng Ngang hay Hàng Đào. Là “Hồn cốt” của Thăng Long - Hà Nội, nên ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khu phố cổ đã được Nhà nước xếp vào hạng di sản cần được bảo vệ, bảo tồn. Thế nhưng, vì nhiều lý do nào đấy, nên công việc bảo tồn chẳng làm được bao nhiêu. Hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc theo thời gian bị xuống cấp, có nguy cơ sập đổ bất kỳ lúc nào. Nhiều ngôi nhà đã bị dân phá đi xây nhà mới nhiều tầng. Kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ đang dần bị mai một và có khả năng biến mất.

Vài năm gần đây, thành phố có chủ trương giãn dân ở khu phố cổ để giảm mật độ nơi đây, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và cải thiện đời sống cư dân. Đây là chủ trương đúng và cần thiết, phù hợp với sự phát triển chung của Thủ đô và xã hội. Tuy nhiên, từ chủ trương cho đến thực tế thì còn nhiều vấn đề. Đây không phải là cuộc di dân mang tính cơ học đơn thuần, mà trên hết phải hiểu đó là sự chuyển dịch lối sống và cả văn hóa nữa. Theo đề án giãn dân của UBND quận Hoàn Kiếm, thì từ năm 2012 cho đến năm 2020, 70% dân phố cổ sẽ phải di dời. Cụ thể, giai đoạn I từ nay cho đến năm 2015 sẽ di chuyển 1.814 hộ gồm 7.200 người sang khu đô thị mới Việt Hưng.

Giai đoạn II từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ di dời tiếp 5.000 hộ. Thế nhưng, cuộc di dân dự định bắt đầu từ tháng 8/2012, nhưng cho đến nay công việc có vẻ như không theo mong muốn của các cấp chính quyền. Người phải đi trong diện giải tỏa thì nơi ở mới bên Việt Hưng chưa chuẩn bị xong. Còn người khác muốn đi để có chỗ ở khang trang hơn, tiện nghi hơn, thay vì phải sống chen chúc 8 - 9 người trong 6 - 7 m2 tối tăm, chật chội, lại lo lắng không biết sẽ làm gì để sống ở nơi cư trú mới. Rồi nữa, lại băn khoăn, khi mình đi rồi thì những ngôi nhà cũ kỹ vốn đã gắn bó cả đời sẽ để làm gì, cho ai, và khi sửa chữa, xây dựng lại liệu có còn được trở về đây không... Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi của dân còn bị bỏ ngỏ mong nhận được từ chính quyền sự trả lời thỏa đáng.

Thay lời kết

Câu chuyện bảo tồn và giãn dân khu phố cổ là câu chuyện dài không chỉ thực hiện bằng một chủ trương hay mệnh lệnh hành chính thông thường. Đây là bài toán khó cần có cách giải để tìm ra nghiệm đúng. Đó là việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, thuận tiện cho người dân sống và kiếm sống khi đến nơi ở mới. Đó là sự minh bạch, dân chủ và công khai để từng người dân biết được lợi ích mà họ sẽ thụ hưởng khi phải dời nơi ở cũ. Đó là việc quản lý, sử dụng, đấu giá các ngôi nhà cũ, nhà cổ mà người dân phải dời đi như thế nào để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, thay vì rơi vào tay một nhóm người kinh doanh bất động sản?! Đó là việc trùng tu, tôn tạo để những công trình kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho từng thời kỳ không trở thành các di tích chết, mà nó phải là các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, tồn tại và phát triển cùng cuộc sống của người dân khu phố cổ. Đó là việc cương quyết hạn chế người nhập cư vào khu phố cổ, cũng như từng bước cho đến cấm hẳn giao thông ô tô, xe máy để nơi đây thực sự là nơi sinh hoạt của cộng đồng, thân thiện, cởi mở, hiếu khách và an toàn.

Và nếu được như thế, tôi tin, khu phố cổ Hà Nội sẽ được bảo tồn và mãi mãi giữ được “Hồn cốt” ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.

(Phố cổ, Hà Nội vào mùa cốm - 2014)

KTS Phạm Thanh Tùng

Báo Tin tức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.