Bảo trì thang máy là việc cần thiết phải làm thường xuyên, nhưng do mâu thuẫn tại nhiều chung cư, vấn đề này đang bị bỏ ngỏ. Chất lượng của thang máy tại các toà nhà cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu chúng có đảm bảo an toàn?

Giám đốc một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về thang máy cho biết, những tai nạn về thang máy xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, chứ nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ thì sẽ không bao giờ xảy ra sự cố. Vị giám đốc này đã từng cảnh báo nhiều chung cư về mối nguy hại của thang máy kém chất lượng, tuy nhiên lời nói của ông đều bị bỏ qua.

Đại diện một chủ đầu tư ở Mỹ Đình cho hay, khi xây dựng, chủ đầu tư sẽ là đơn vị trực tiếp thuê nhà thầu lắp đặt thang máy theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật đã được phê duyệt. Sau khi tòa nhà đi vào hoạt động, chủ đầu tư sẽ chuyển giao việc quản lý vận hành thang máy và bảo trì cho ban quản lý tòa nhà. Hết thời gian bảo hành thang, ban quản trị có thể tiếp tục thuê đơn vị lắp đặt bảo trì định kỳ hoặc thuê nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do chi phí cao nên nhiều trường hợp ban quản trị đã cắt giảm thời gian bảo trì, hoặc thuê các đơn vị không đủ năng lực chuyên môn.

Thang máy cần được bảo trì thường xuyên đẻ đảm bảo an toàn

Ông Nguyễn Hữu Việt, một chuyên viên trong lĩnh vực thang máy, cho hay, về nguyên tắc tất cả các công trình đều có tuổi thọ nhất định. Muốn duy trì hoạt động, cần đánh giá hiện trạng mức độ an toàn, nếu thiết bị nào đã quá cũ và lỗi thời phải tiến hành thay thế; đồng thời, có chế độ bảo dưỡng hàng năm.

Sau khi đi vào sử dụng, ban quản trị có trách nhiệm thuê đơn vị lắp đặt thang máy bảo trì định kỳ. Nhưng do phí tại một số hãng khá cao nên họ đã thuê đơn vị khác có giá rẻ hơn, đồng nghĩa với việc chất lượng bảo trì sẽ giảm. Thậm chí có chung cư, ban quản trị còn tự bảo trì. Do đó, thang máy nhanh xuống cấp là điều dễ hiểu.

Lơ là công tác bảo trì

Trách nhiệm bảo trì thang máy thuộc về ban quản trị, nhưng không ít đơn vị lại đưa ra vin cớ thiếu kinh phí để không thực hiện. Một đại diện ban quản trị giải thích rằng, phí bảo trì chiếm 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ hiện do chủ đầu tư nắm giữ. Và trên thực tế, nhiều chủ đầu tư chây ì không chịu chuyển phí bảo trì cho ban đại diện cư dân.

Những người dân tại tòa nhà N5A Trung Hòa - Nhân Chính, thang máy số 1 đã hỏng từ 4 tháng nay, cư dân đã nhiều lần đề nghị nhưng đơn vị quản lý không sửa chữa. Theo Quyết định 19/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, tại các tòa nhà thuộc khu tái định cư đều có 2% kinh phí trích từ tiền mua nhà của người dân để duy trì, bảo dưỡng tòa nhà, nhưng chẳng hiểu tại sao, đơn vị quản lý không sử dụng để sửa chữa thang máy.

Ông Phạm Hồng Thoại, Bí thư chi bộ Khu dân cư đô thị N1 gồm 6 tổ nhà, trong đó có tổ nhà N5A cho biết, việc thang máy ở đây bị trục trặc đã được biết đến từ lâu, song phía đơn vị quản lý gần như mặc kệ.

Nhiều thang máy xuống cấp sau thời gian dài sử dụng

Trao đổi với báo chí, ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, cho hay, theo Luật Nhà ở thì nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng những hỏng hóc ở các tòa nhà là lấy từ quỹ bảo trì 2%. Nhưng do Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2005 nên các tòa nhà xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực như trường hợp tòa nhà N5A thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua là không có quỹ bảo trì 2% này.

“Việc sửa chữa hỏng hóc chậm là do phải làm theo quy trình, phải báo cáo, đề xuất cấp trên để xin ý kiến về mặt tài chính. Ngoài ra, lý do chậm nữa là do tòa nhà N5A này cũng chưa có Ban quản trị”, ông Hữu xác nhận.

Chuyên viên về lĩnh vực thang máy, ông Nguyễn Hữu Việt cho rằng, thang máy thường gặp phải tình trạng chung là “cha chung không ai khóc”. Tình trạng thang máy xuống cấp nhanh chóng xuất phát từ 3 yếu tố: chủ đầu tư lắp ráp thang máy kém chất lượng, ý thức của người dân sử dụng thang máy kém và không được bảo trì thường xuyên, hoặc bảo trì gian dối. Ban quản lý không có năng lực giám sát.

Các thang máy cần phải có người quản lý có trách nhiệm cao về bảo vệ của chung, phải thường xuyên kiểm tra độ an toàn và nhắc nhở người sử dụng bằng những bản chú ý người sử dụng để họ có ý thức hơn.

Ngay sau vụ tai nạn thang máy làm chết người diễn ra mới đây tại Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, khắc phục sự cố thang máy tại các tòa nhà cao tầng.

D.Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.