Trên tivi giờ vàng dạo này đang quảng cáo rầm rộ cho các dự án khu đô thị mới: Ecopark, Splendora, Royal City… Những năm gần đây, ở Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều những toà nhà cao tầng choáng ngợp, đập vào mắt người đi trên đường toàn tiếng nước ngoài, chẳng hạn: Fitness, Somerset Grand Hanoi, Savico Plaza, Usilk City…
Ở các thành phố lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đến các thị xã, thành phố loại 2 cũng vậy, đua nhau mốt đặt tên “tây” cho những dự án bất động sản mới, kể cả những dự án nội 100%, tịnh không thấy một tên gọi tiếng Việt nào! Với đại đa số người dân dù ở nông thôn hay thị thành thì tên tây như thế không những không đọc được, không hiểu được, không nhớ được mà còn gây phản cảm, động đến lòng tự tôn dân tộc, tiếng Việt không đủ hay, đủ đẹp để đặt tên sao?!

Trước hết phải nói ngay: cái “mốt” này không phạm luật, vì đến giờ chưa có một văn bản pháp quy nào quy định các chủ đầu tư phải “tránh” tên tây đặt cho dự án của mình cả. Việc đặt tên bằng tiếng nước ngoài, chỉ phản ánh tính sính ngoại của không ít chủ đầu tư dự án mà thôi. Họ quan niệm tên tây sang hơn, xịn hơn, còn nếu đặt tên ta nghe nó quê quê thế nào ấy (!) Cũng cần nói thêm rằng, làm việc này, chủ đầu tư còn có chủ ý đánh vào tâm lý thích hàng ngoại của nhiều người để thu hút khách hàng. Có nhà đầu tư bất động sản còn giải thích: tên tiếng Anh của các dự án xây dựng tạo ra tính gợi mở, mới lạ, gợi tính tò mò của khách hàng tìm hiểu dự án nhiều hơn. Dù lý giải kiểu gì thì cũng không thể biện minh cho việc sính ngoại, vô hình chung đã làm tổn hại nền văn hoá bản địa hay nói như nhiều nhà khoa học, nhà quản lý là “một chiêu tiếp thị rẻ tiền” hay “sự sỉ nhục văn hoá Việt”. Một khi đây đã trở thành vấn nạn như vậy thì ngay từ giờ vẫn là chưa muộn, cần hạn chế nó đến mức thấp nhất, dần dần loại xu hướng này ra khỏi đầu óc nhà đầu tư. Muốn vậy, phải đưa việc đặt tên dự án như thế nào vào luật định cụ thể sau đó thực thi một cách cương quyết, khôn khéo.


Tên tây hại cho văn hoá ta
Một dự án mang tên tây.

Lâu nay, Bộ Xây dựng “thả nổi” việc đặt tên dự án. Nhưng nếu cấm ngay việc đặt tên tây thì có thể sẽ gây đột ngột mà một số chủ đầu tư không thể “xài” nổi. Nên chăng, trước hết cần có quy định các dự án do trong nước đầu tư nhất thiết phải đặt tên Việt, bên cạnh đấy nếu có tên theo tiếng nước ngoài thì viết bên cạnh (có thể là nhỏ hơn). Điều này không bắt buộc với dự án do nước ngoài đầu tư, song cũng khuyến khích họ nên đặt tên Việt kèm theo. Tất nhiên những cái tên nào quá phản cảm (dù là tên tây hay tên ta) thì cũng kiên quyết không chấp nhận.


Nếu như cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đang đi vào cuộc sống thì với việc đặt tên bằng tiếng Việt cho mỗi công trình cũng là một cách thiết thực hưởng ứng cho cuộc vận động này. Hơn hết, các phương tiện truyền thông đại chúng có thể vào cuộc được ngay. Chẳng hạn, có những quy định đặc biệt khi quảng cáo các công trình bất động sản, khuyến khích các công trình có tên Việt bằng cách định giá quảng cáo rẻ hơn so với các công trình mang tên tây…

Theo Phạm Quang (Sức khỏe & Đời sống)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.