Dự án Khu II và mở rộng Sân Golf quốc tế thuộc Khu du lịch sinh thái (DLST) nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) từ ngày 16-11-2007, thông qua Quyết định số 4596/QĐ - UBND.

Dự án nằm trong quần thể Dự án nghỉ ngơi sinh thái cuối tuần Đền Sóc, thuộc địa bàn 2 xã Hồng Kỳ và Phù Linh. Theo kế hoạch, tiến độ GPMB của dự án (DA) này chậm 3 năm. Vậy đâu là nguyên nhân và hiện thành phố (TP) đang tập trung chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 20-10. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi - giải trí - thể thao Hà Nội - đang tập trung cao độ để hoàn thành GPMB đúng theo sự chỉ đạo của TP.

Mô hình du lịch sinh thái ở Sóc Sơn phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân "kéo dài" tiến độ

Trong quá trình triển khai DA, công tác GPMB được chủ đầu tư (ĐT) xem là công đoạn nan giải nhất. Cơ chế, chính sách thay đổi không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cơ quan triển khai GPMB trong việc hoàn thiện hồ sơ GPMB mà tổng mức ĐT GPMB của chủ ĐT cũng tăng lên nhiều. Đơn cử, DA này khi bắt đầu GPMB được thực hiện theo Nghị định 84/2007/NĐ - CP quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất…; sau hơn một năm, DA đang trong giai đoạn kiểm đếm thì lại phải thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND TP Hà Nội. Chính sách thay đổi nên tổng mức ĐT của DA đội lên 2,5 lần so với dự kiến. Thêm vào đó, trong quá trình GPMB, có nhiều chính sách kèm theo liên quan cơ chế. Đặc biệt, trong quá trình kiểm đếm cũng có sự thay đổi, đang kê khai lập các hạng mục bồi thường, hỗ trợ theo biểu giá đất quy định hàng năm do HĐND thành phố quy định, sau đó lại thực hiện theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND ngày 7-1-2013 của UBND TP Hà Nội về việc bổ sung một số điều của Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009. Thực hiện theo QĐ 02, yêu cầu có tư vấn lập dự toán về đơn giá đất đền bù sát với giá thị trường để tránh thiệt hại cho người dân. Quyết định này khó khăn cho đơn vị tư vấn và chủ đầu tư bởi giá đất tại các địa phương không ổn định, biến động theo ngày. Sau hơn 1 năm, các phương án GPMB lại quay trở lại áp dụng giá đền bù theo thành phố quy định.

Khó xác định nguồn gốc đất, khung giá chênh lệch nhiều

Thực tế cho thấy, trong quá trình lập phương án đền bù GPMB, khó khăn nhất là xác định nguồn gốc đất. Đơn cử, trong thửa đất, phải phân định, xác định nhiều loại đất: Đâu là đất hưởng theo Nghị định 64, đâu là đất vỡ hoang, đâu là đất 5% (đất công ích). Thêm vào đó, trước kia phương tiện đo đạc hoàn toàn thủ công, không chính xác nên rất khó khăn cho xác định chính xác diện tích thửa đất. Hơn nữa, theo luật định, đất giao theo Nghị định 64 có đơn giá cao gấp 5 lần so với đất khác, do vậy ảnh hưởng nhiều đến tiến độ lập phương án đền bù GPMB. Lập phương án đền bù GPMB đã chậm rồi nhưng khi hoàn thiện xong, tổ chức chi trả tiền hỗ trợ đền bù để bàn giao đất lại gặp khó khăn vì phần ranh giới dự án tiếp giáp với các thửa đất khác chỉ thực hiện trên bản đồ, không sát thực địa nên khi tiến hành bàn giao thực địa đã phát sinh đất xen kẹt. Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Công ty cho biết: "Phần lớn đất xen kẹt là các thửa diện tích nhỏ, chiều rộng có khi chỉ có 80cm, chiều dài từ 60 đến 70m, không canh tác được. Các thửa còn lại có diện tích lớn hơn nhưng hình thù méo, khó canh tác. Mặt khác, các công trình hạ tầng thủy lợi, tưới tiêu cũng không còn nên cũng không thể canh tác được. Vì vậy, mong muốn của phần lớn người dân thuộc dự án này muốn được Nhà nước thu hồi nốt phần diện tích xen kẹt". Anh Nguyễn Đức Thùy (thôn 8, xã Hồng Kỳ) cho biết: "Diện tích đất xen kẹt còn lại của gia đình tôi quá nhỏ, chỉ hơn 50m2) không thể canh tác được. Chúng tôi chỉ mong muốn chủ ĐT thu hồi nốt phần diện tích này".

Trước kia, việc bàn giao ruộng theo mốc giới được thực hiện trên giấy nên diện tích thừa ra là điều dễ hiểu. Tổng diện tích đất xen kẹt của DA khoảng hơn 10.000m2, trong đó có đất nông nghiệp, đất vườn quả, cây lâu năm và đất lâm nghiệp. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo TP, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, chính quyền địa phương, DA được tháo gỡ từng phần nên đến thời điểm này, DA cơ bản hoàn thành gần 98%. Đối với diện tích đất xen kẹt dưới 50m2, UBND huyện đã có thông báo thu hồi; phần diện tích đất xen kẹt còn lại, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND thành phố cách đây 2 năm, công ty đang chờ văn bản chấp thuận của TP, Sở TN&MT cho phép thu hồi nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Cũng vẫn liên quan GPMB, vị trí trường bắn của Trung đoàn 141 liền kề là chưa phù hợp. Thực tế này đã được UBND TP đồng ý về mặt chủ trương, Trung đoàn 141 đã thống nhất di chuyển; UBND huyện Sóc Sơn đã đề xuất vị trí mới. Một dự án quy mô lớn, có nhiều vướng mắc từ cơ chế, chính sách của Nhà nước được TP quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để công ty tập trung nguồn lực hoàn thành Sân Golf vào tháng 5-2015. Đây là dự án phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân Thủ đô và khách quốc tế, sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương, thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch và hằng năm góp một phần không nhỏ vào ngân sách địa phương. Công ty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi - giải trí - thể thao Hà Nội mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp nhiều hơn nữa của lãnh đạo TP Hà Nội; sự quyết liệt chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, UBND 2 xã Hồng Kỳ, Phù Linh để hoàn thành mục tiêu GPMB và tiến độ dự án đã đề ra.
Nhật Minh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.