Chu kỳ giảm giá của thị trường bất động sản đã chững lại. Nếu doanh nghiệp nỗ lực tìm hướng đi phù hợp cùng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, thị trường bất động sản sẽ sớm bình ổn trở lại.

Theo đúc kết của giới chuyên môn, doanh nghiệp và nhà quản lý, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là sự khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, thu nhập người dân giảm sút, nên dù có nhu cầu, nhiều người vẫn thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” chờ thời điểm tốt hơn mới quyết định mua nhà. Tiếp đến là lãi suất ngân hàng quá cao, người dân không ai dám vay tiền để mua nhà vào thời điểm này. Nguyên nhân nữa là do sốt đất năm 2007 - 2008 đã khiến nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư, khiến cung cầu nhà ở mất cân đối.

Tại buổi tọa đàm “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản” tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, trong nhiều năm qua, các dự án nhà có tốc độ phát triển rất nhanh.

“Khảo sát của Bộ Xây dựng tại 58 địa phương trên toàn quốc cho thấy, có hơn 2.400 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, với tổng công suất 300 triệu m2 (nhà). Trong khi đó, theo tính toán trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trung bình mỗi năm, cả nước cần phát triển 100 triệu m2 nhà ở, trong đó đô thị chiếm hơn 50% và nông thôn dưới 50%”, ông Hà dẫn chứng và thừa nhận, đang có sự mất cân đối cung cầu giữa các phân khúc và giữa các địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong vòng 15 năm qua, đây là đợt thị trường địa ốc đóng băng dài nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường bất động sản sẽ không còn giảm giá sâu. Mức giá của những căn hộ đáp ứng nhu cầu sử dụng và đầu tư của khách hàng đã ổn định và gần như thấp hơn giá thành nếu phát triển dự án mới cùng loại.

“Vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay không phải là giá cả, hay cung nhiều hơn cầu, mà là sự sụt giảm niềm tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm quá lớn. Trước đây, nhiều dự án gắn mác căn hộ cao cấp để đẩy giá bán lên cao, trong khi chất lượng và dịch vụ chỉ ở mức trung bình. Thậm chí, nhiều dự án triển khai chậm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng”, ông Hiển nói và cho rằng, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM hiện rất lớn và với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, người tiêu dùng hoàn toàn có khả năng mua nhà. Vì vậy, để phá băng thị trường bất động sản, hơn ai hết, chính bản thân doanh nghiệp phải gây dựng niềm tin cho khách hàng bằng cách đầu tư hợp lý các dự án.

Vẫn theo ông Hiển, thị trường bất động sản sắp tới sẽ tiếp tục có sự sàng lọc lớn. Theo đó, thị trường sẽ từng bước phục hồi niềm tin đầu tư bất động sản của người dân và khả năng xuất hiện nhu cầu đầu tư khá mạnh, lan toả ra khu vực lân cận TP.HCM cho nhiều phân khúc đất nền và căn hộ. Tuy nhiên, chỉ có những dự án địa ốc được đầu tư đúng mức, có giá trị sử dụng và tạo dựng không gian sinh sống tốt mới có khả năng tăng giá đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư thứ cấp. Còn những dự án thiếu các yếu tố trên sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Để phá băng thị trường bất động sản, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại các dự án, tạm dừng các dự án không khả thi. “Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để giải quyết vấn đề tài chính cho người mua nhà không bị lệ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, dự kiến Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ sớm được đưa vào áp dụng”, ông Hà nói và cho biết, để giải quyết câu chuyện mất cân đối cung cầu, sắp tới, sẽ cho phép các doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án căn hộ, nhưng chưa bán được tái cơ cấu lại diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường để kích cầu.

Theo Tăng Triển (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.