Sáng 24/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) đã chủ trì họp đánh giá tình hình và chỉ đạo những biện pháp thúc đẩy hiệu quả các khu vực phát triển tập trung, đặc thù của đất nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần kiểm tra hoạt động của KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Tính đến hết năm 2013, cả nước có 289 KCN với tổng diện tích 81.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 63%. Cùng với đó là 15 KKT ven biển với tổng diện tích 697.800 ha.

Trong năm 2013 vốn đầu tư nước ngoài vào các KKT, KCN đạt 19,9 tỷ USD và lũy kế đến nay các KCN đã thu hút 5.075 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 75,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 55% vốn đăng ký.

Các KKT đã thu hút 199 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 36,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 20%. Thu hút đầu tư trong nước năm 2013 vào các KCN, KKT tăng thêm 26,6 ngàn tỷ đồng và lũy kế đến nay đạt 5.463 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 524,2 ngàn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 47%. Các KKT ven biển đã thu hút 624 dự án với tổng vốn đăng ký 445,5 ngàn tỷ, vốn thực hiện đạt 38%.

Năm 2013, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KKT, KCN đều tăng trưởng khá so với năm 2012. Tổng doanh thu đạt 100,3 tỷ USD, tăng 31%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 51,5 tỷ USD, tăng 36%, kim ngạch nhập khẩu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 24%, nộp NSNN hơn 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Thu hút 2,1 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 69%, lao động Việt Nam chiếm 98,5%.

Rà soát, phân loại để “bắt bệnh”

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thời gian qua Thường trực Ban Chỉ đạo đã tập trung rà soát, đánh giá hoạt động và phân loại các KCN, KKT theo mức độ triển khai, tỷ lệ lấp đầy.

Theo đó, đến nay đã có 149 KCN có tỷ lệ lấp đầy trên 60%, 117 KCN có tỷ lệ lấp đầy từ 20% đến 60% và 23 KCN đang triển khai và thu hút đầu tư còn hạn chế.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng tiến hành đánh giá hoạt động các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong KCN, KCX.

Tính đến nay có 161 dự án vốn trong và ngoài nước đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 4.787 tỷ đồng và 260 triệu USD, 203 dự án ngừng hoạt động với tổng vốn 5.286 tỷ đồng và 386 triệu USD, 343 dự án chưa hoặc không có khả năng triển khai... Tổng số các dự án này chiếm khoảng 10% tổng số các dự án đầu tư trong các KCN, KKT hiện nay.

Hiện tại, có 31 KCN có trong quy hoạch, nhưng mới thành lập một phần diện tích và 176 KCN có trong quy hoạch, nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa ra khỏi quy hoạch 7 KCN, các địa phương đã đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 25 KCN khác và giảm 5.154 ha tại 13 tỉnh, thành phố. Lý do chủ yếu là các KCN này được quy hoạch ở khu vực đất trồng lúa, vị trí gần nội thành, nội thị khó triển khai GPMB.

Cùng với đó, các địa phương đề xuất bổ sung 51 KCN vào quy hoạch với tổng diện tích tăng thêm 18.500 ha tại 20 tỉnh, thành phố. Các KCN cũng đề nghị điều chỉnh diện tích, trong đó 10 KCN đề nghị tăng 1.996 ha, 26 KCN đề nghị giảm 2.779 ha.

Trong thời gian tới, các kết quả này sẽ là cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN của các địa phương không điều chỉnh, bổ sung và các địa phương điều chỉnh giảm diện tích KCN.

Đối với các địa phương đề nghị tăng diện tích KCN, đây sẽ là cơ sở xem xét cụ thể từng trường hợp trên nguyên tắc tiếp tục rà soát, cắt giảm diện tích quy hoạch KCN, hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các KCN khó có khả năng triển khai, chỉ điều chỉnh, bổ sung trong tổng diện tích quy hoạch phát triển KCN đã được phê duyệt.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách đối với KCN, KKT hiện nay, đặc biệt là vấn đề ưu đãi thuế, tài chính đất đai, ưu đãi đầu tư đối với cụm công nghiệp và vấn đề công nghệ cao.

Đưa ra giải pháp cụ thể trị từng “căn bệnh”

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các kết quả triển khai của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá hoạt động của các KKT, KCN, tình hình các dự án đầu tư, sử dụng đất, các chỉ tiêu xử lý nước thải tập trung, cơ cấu lao động… Đây sẽ là tiền đề để “bắt mạch” tình hình, một mặt đẩy mạnh hơn phát triển cụm công nghiệp, mặt khác chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể của các cụm công nghiệp về quy hoạch, thành lập môi trường, đất đai, ưu đãi đầu tư.

Về kết quả rà soát, Phó Thủ tướng lưu ý những vấn đề nổi lên, đó là việc tỷ lệ lấp đầy vẫn còn chưa tương xứng, mô hình quản lý chưa thống nhất và chưa thực sự hiệu quả, công tác thanh kiểm tra còn chồng chéo… Thời gian tới, yêu cầu Ban Chỉ đạo đánh giá chi tiết hơn trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp liên quan về phát triển KCN, KKT.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng tiếp tục rà soát các quy hoạch, phối hợp các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp dự án vi phạm pháp luật, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, theo dõi, hỗ trợ các địa phương cũng như các doanh nghiệp thúc đẩy các KCN có dự án chậm tiến độ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến về kiện toàn đầu mối quản lý các KCN, KKT cũng như các ban quản lý, hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN tại các địa phương có điều kiện KTXH khó khăn; Đề án hình thành KCN chuyên sâu và Khu liên hợp Việt-Hàn, một số chính sách, cơ chế chung đối với KCN, KKT.

Nguyên Linh (Chinhphu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.