Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 6.2015 đạt mức tăng 6,28% so với cuối năm 2014 - gấp 1,68 lần mức tăng 3,72% của cùng kỳ năm ngoái. Nếu tín dụng tiếp tục giữ được tốc độ tăng như những tháng vừa qua, gần như chắc chắn các ngân hàng sẽ vượt room tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã quy định đối với từng ngân hàng thương mại.

Trong bối cảnh như vậy, NHNN đã phải nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 12 ngân hàng, gồm: Vietcombank (16%), VietinBank (16%), SeABank (35%), TienphongBank (35%), Techcombank (30%), LienVietPostBank (30%), VPBank (18%), NamABank (25%), SHB (15%), VIB (20%), BaovietBank (36%), NCB (24%).

Theo đánh giá chung thì việc điều chỉnh tăng trưởng mục tiêu tín dụng lên 17% của NHNN năm nay cũng không phải quá cao, mà phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế đang có dấu hiệu ấm dần. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng bắt đầu tăng trở lại, dù “sức khỏe “của doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục. Vì thế, NHNN vừa có động thái điều chỉnh tăng room tín dụng cho hàng hoạt NHTM lên 30 - 35% không gây lo ngại dẫn đến tăng trưởng tín dụng nóng như thời gian trước. Bởi lẽ, các ngân hàng phải thận trọng để kiểm soát nợ xấu, khó có thể đẩy mạnh huy động vốn ồ ạt như trước.

Đi kèm với quyết định nới room tăng trưởng dư nợ cho một loạt ngân hàng, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện việc cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2015. Các ngân hàng phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện cấp tín dụng, quản trị rủi ro và giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro để hạn chế nợ xấu.

Tuy nhiên, lời nhắc nhở được đưa ra đó là một khi được nới lỏng liệu dòng vốn tín dụng có đổ dồn vào những điểm nóng như bất động sản, chứng khoán … Thị trường BĐS là “nhiệt kế” của nền kinh tế quốc dân, nay kinh tế đang trên đà tăng trưởng tốt, ngân hàng “mạnh tay cho vay” là chuyện bình thường.

Đặc biệt là khi NHNN giảm hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống còn 150% (điều có trong Thông tư 36/2014 của NHNN) thì tín dụng bắt đầu chảy mạnh vào đây. Tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho BĐS tăng lên gấp đôi, từ 30% lên 60%. Đây sẽ là “cú hích” mạnh mẽ đối với thị trường BĐS, khi tín dụng đối với lĩnh vực này vốn dĩ được NHNN kiểm soát chặt chẽ thời gian qua được nới lỏng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn vào BĐS không xấu, nhưng các ngân hàng cần kiểm soát tăng trưởng dư nợ vào thị trường này. Nếu kiểm soát tốt sẽ hạn chế được nhiều rủi ro, tránh tình trạng “bong bóng” tín dụng BĐS lặp lại và nợ xấu tăng nhanh. Nói thì như vây, nhưng điều đáng lo là cho vay nhưng không đánh giá hoặc đánh giá sai khả năng trả nợ của bên vay, như đã xảy ra trước 2008, khi thị trường BĐS đã rơi vào tăng trưởng bong bóng.

Trên thực tế, nhiều DN đã vay vốn ngân hàng để đầu tư vào BĐS mặc dù khi vay không có mục đích phát triển dự án BĐS. Từ đó cho thấy, một trong các yếu kém của những ngân hàng thương mại là kiểm soát rất lỏng lẻo dòng tín dụng hoặc không thể kiểm soát được dẫn tới hậu quả nợ xấu như hiện tại… Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc bảo lãnh dự án sẽ khiến cho thị trường minh bạch hơn khi những ngân hàng không thể ký bảo lãnh cho các dự án mà chủ đầu tư đã mang đi thế chấp ở ngân hàng khác.

Theo thống kê thì hiện nay dòng vốn vay chảy vào bất động sản tuy chưa phải là quá mạnh, nhưng những bài học từ quá khứ cho thấy dòng tiền đổ vào lĩnh vực này cần được kiểm soát chặt chẽ, bởi hậu quả của sự tăng trưởng tín dụng nóng vào bất động sản là rất khó lường.

Gia Miêu (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.