HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng như không phép, sai phép sẽ bị phạt rất nặng, có thể lên tới hàng tỷ đồng nếu thêm hành vi tái phạm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, tăng mức phạt có đủ sức ngăn chặn vi phạm?

Theo quy định, việc thi công sai thiết kế phê duyệt bị phạt từ 60 đến 80 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với quy định tại Nghị định 121/CP. Đặc biệt, điểm mới là các chủ thể liên quan như nhà thầu cũng bị phạt từ 200 đến 600 triệu đồng với công trình nhà ở riêng lẻ và từ 1 đến 2 tỷ đồng với công trình lớn có lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư, nếu vẫn thi công khi công trình đã bị đình chỉ. Cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước cũng bị xử phạt nếu không thực hiện ngừng cấp dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền đối với công trình vi phạm.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc tăng mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm trật tự xây dựng, nhất là sai phép, không phép là cần thiết vì ngoài tính chất sai phạm phổ biến, điển hình thì xây dựng sai phép, sai quy hoạch, không phép ở Thủ đô còn gây mất mỹ quan đô thị và gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều công trình chủ đầu tư cố tình tái phạm do lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm lớn, mức xử phạt không đủ mạnh. Ngoài ra việc khắc phục vi phạm cũng rất khó khăn, tốn kém.

Công trình 16B Nguyễn Thái Học, phường Yết Kiêu (Hà Đông) vi phạm nhiều năm chưa bị xử lý. Ảnh: Lê Tuấn

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu tăng mức xử phạt hành chính, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng, hành vi vi phạm trật tự xây dựng có giảm? Có lẽ việc tăng mức phạt hành chính đối với đô thị lớn nhà Hà Nội là đúng nhưng chưa đủ.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cùng với việc tăng mức xử phạt hành chính cần phải nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng, đừng để thủ tục phức tạp, công chức "hành dân" làm cho người dân thấy nản mà xây dựng không phép. Cùng với đó cũng cần bảo đảm công bằng trong xử phạt; phạt chủ thể vi phạm đã đành, cần phạt cả cơ quan quản lý nếu làm không tốt, để xảy ra vi phạm trên địa bàn, gây bức xúc dư luận.

Còn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cùng với việc tăng mức phạt, việc phạt cũng phải nghiêm và sòng phẳng với người dân. Trước khi tính chuyện xử phạt, cơ quan quản lý cần làm tốt quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng phải thuận tiện. Ông Liêm cũng băn khoăn, xử phạt dù có tăng gấp đôi nhưng chỉ phạt một lần, trong khi giá trị phần sai phạm có thể lớn hơn và kéo dài mãi mãi về sau nên người ta sẵn sàng vi phạm mà không đắn đo. Vì vậy, cần có cơ chế xử lý dứt điểm hậu quả, triệt tiêu lợi ích đó đi. Đó mới là vấn đề quyết định chứ không chỉ nằm ở mức xử phạt. Thế nhưng, tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2014, lãnh đạo nhiều đội thanh tra xây dựng quận, huyện vẫn than rằng, sự phối hợp giữa chính quyền với Thanh tra Xây dựng còn lúng túng, thậm chí xã, phường không phối hợp với Thanh tra kiểm tra, lập biên bản công trình vi phạm. Một số xã, khi công trình vi phạm bị phát hiện lập biên bản, mặc dù UBND ban hành quyết định đình chỉ nhưng không làm rốt ráo như yêu cầu ngừng dịch vụ điện, nước, ngăn chặn phương tiện chở vật liệu xây dựng… nên đình chỉ thì cứ đình chỉ, vi phạm thì vẫn vi phạm.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ công trình vi phạm có giảm song vẫn còn khá nhiều. 6 tháng đầu năm, các đội thanh tra xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 7.696 công trình xây dựng, xử lý vi phạm đối với 1.157 trường hợp, trong đó 865 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép. Số còn lại là các vi phạm khác. Trong số các công trình vi phạm, 194 trường hợp lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế. Nổi cộm trong các công trình vi phạm đang được quận, huyện tập trung xử lý là công trình sai quy hoạch trên ô đất ký hiệu CX1, CX2, DX1, DX4 Khu đô thị Đông nam Trần Duy Hưng; công trình hỗn hợp trụ sở, văn phòng, nhà ở do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư xây không phép tại phường Yên Hòa… Ngoài ra, thành phố còn 2/527 trường hợp vi phạm tồn đọng từ nhiều năm trước chưa xử lý là công trình số 32A ngõ 34 Phương Mai (Đống Đa) và 16B Nguyễn Thái Học, phường Yết Kiêu (Hà Đông)

Khánh Khoa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.