Thông tin giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít xuất hiện đúng thời điểm NHNN phát đi thông điệp sẽ giảm đồng loạt lãi suất tiền gửi xuống 1%. Vô hình chung, điều này đang gây sức ép lớn cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong lộ trình điều chỉnh giảm lãi suất.

Tăng giá xăng sẽ tạo áp lực lên quá trình hạ lãi suất


Lãi suất hạ phải gắn với lượng cung về vốn

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo NHNN hạ mức lãi suất cơ bản 1%, tính đến thời điểm này đã có nhiều ngân hàng tiến hành giảm lãi suất. Bảng tiền gửi cho kỳ hạn ngắn ngày tại một số ngân hàng VP, An Bình, ACB giao dịch từ 13.85 – 13.88%. Còn tiền gửi cho các kỳ hạn trên 18 tháng phổ biến ở mức 12%.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặt bằng chung lãi suất vay hiện nay theo vẫn khá cao. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ vay tại NHTM rất khó. Giám đốc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Ông già KIA, ông Nguyễn Hải Sơn cho biết: "Trong thời gian gần đây cánh cửa cho vay của các ngân hàng đã rất hẹp, để được giải ngân là rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp trẻ Việt Nam khẳng định, vấn đề hạ lãi suất phải gắn với vốn. Nếu như doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận với nguồn vốn chính thức từ ngân hàng thì tiếp tục tìm ra thị trường đen. Lúc đó còn nguy hiểm hơn”.

Trái ngược với sự hi vọng của các doanh nghiệp, "cửa” cho vay hầu như vẫn "khép chặt” tại các NHTM. Một nhân viên tín dụng Ngân hàng Techcombank cho biết, trước khi vay phải soát xét khả năng tài chính và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bởi vấn đề nợ xấu vẫn đang ám ảnh các ngân hàng.

Thành viên hội đồng quản trị của một ngân hàng lại cho biết, bất ổn vĩ mô vẫn đang lớn khi giá xăng vừa tăng chóng mặt. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Do vậy, NH muốn hạ lãi suất và muốn tăng cung vay cho doanh nghiệp vẫn là lộ trình cần xem xét cẩn thận.

Thời điểm hạ lãi suất có bị lùi lại?


Bình luận về thông điệp yêu cầu hạ lãi suất xuống 1%, một chuyên gia trong ngành ngân hàng phân tích: cần phải xem xét các yếu tố vĩ mô và vi mô để thấy được rằng, hạ lãi suất lúc này đã là chuẩn chỉnh hay chưa.

Ông nói, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,37% nếu so với cùng kỳ là mức tăng thấp nhất trong 10 năm tuy nhiên lại tăng cao hơn so với tháng 1. Khuynh hướng giảm lạm phát có nhưng chưa rõ ràng. Trong bối cảnh giá gas tăng và nhiều mặt hàng khác kiến nghị tăng giá thì việc yêu cầu hạ lãi suất ngay là "quyết định chưa cẩn trọng”. Nếu chờ thêm 20 ngày nữa, tức là hết quý I, khi dấu hiệu kiềm chế lạm phát trở nên chắc chắn thì công bố "phải hạ lãi suất” cũng không quá muộn.

Còn xét ở góc độ vi mô, nếu lãi suất xuống 1% cũng không là mức giảm đáng kể. Mức giảm này chắc chắn không tác động nhiều tới lãi suất cho vay. Chưa kể, "dù có hạ lãi suất thì chắc chắn ngân hàng vẫn đóng cửa cho vay”.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay chỉ có 2 đối tượng có thể vay vốn ngân hàng đó là: doanh nghiệp thật "khỏe”, hoặc là doanh nghiệp có quan hệ tốt. Lãi suất là cái giá của rủi ro, do đó ngân hàng sẽ không dám mạnh tay vung tiền cho doanh nghiệp khi mà vấn đề nợ xấu vẫn đang rình rập trước mắt. "Lãi suất hạ nhưng tăng rủi ro thì chẳng anh nào chịu cho vay”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Mục tiêu đề án là cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời NHNN cũng đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của 4 nhóm NHTM. Chính thức hệ thống NHTM bước vào lộ trình tái cấu trúc. Việc hạ lãi suất xuống 13% khi được hiện thực hóa có nghĩa là ngân hàng mạnh sẽ mạnh hơn, ngân hàng yếu sẽ yếu hơn. Bởi dòng chảy của tiền nhàn rỗi lúc đó sẽ không chỉ dừng lại ở việc: từ ngân hàng nhỏ đổ sang ngân hàng chất lượng mà vốn còn chạy khỏi ngân hàng chuyển sang các kênh đầu tư chứng khoán, kinh doanh vàng.

Nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động. Tuy nhiên theo khẳng định của ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu lãi suất thực giảm thì cần tập trung vào vấn đề vốn và hiệu quả sử dụng vốn; chất lượng tín dụng. Doanh nghiệp mong được tiếp cận vốn từ Ngân hàng chứ không mong "ngắm vốn” ở trong ngân hàng.

Theo Đại Đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh