Tình hình kinh tế khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận suy giảm, lãi suất cao và cạnh tranh khốc liệt... đã đẩy nhiều DN vào tình thế khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, theo phản ánh của nhiều DN, việc tăng giá thuê đất sẽ tăng từ 3 đến 10 lần chẳng khác gì một “cú đấm bồi” đưa DN đi vào con đường... đóng cửa.
Việc tăng giá thuê đất lên gấp nhiều lần đã khiến DN gặp nhiều khó khăn (ảnh: Cty CP cơ điện miền Trung (CEMC) nhận được thông báo tăng giá tiền thuê đất gấp 5,75 lần so với đơn giá cũ)

Ông Văn Hữu Thiết – Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho biết, cộng đồng DN đang chờ cơ quan nhà nước xem xét thấu đáo việc áp dụng đơn giá cho thuê đất và thuê hạ tầng hợp lý để tạo điều kiện cho DN an tâm kinh doanh.

Đẩy khó cho DN

Đại diện của Cty cổ phần du lịch Hương Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Quốc Thành tính toán: “Ở thời điểm trước năm 2012, DN chúng tôi phải trả tiền thuê đất hàng năm là 1,2 tỉ đồng/năm. Mới đây, cũng phần đấy diện tích đất, cơ quan chức năng đến kiểm tra và đưa ra tờ quyết định về giá thuê đất cao bất thường 5,2 tỉ đồng/năm. Chúng tôi không thể hiểu nổi!”. Theo ông Thành, trong điều kiện kinh tế khó khăn, mức lợi nhuận hàng năm Cty chỉ đạt khoảng 1,2 – 1,5 tỉ đồng/năm mà tăng giá như thế thì DN chỉ còn cách đóng cửa. “Hoạt động kinh doanh du lịch đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát trong nước, tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới nên du khách cắt giảm chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho du lịch. Nếu phải trả tiền thuê đất như trên thì chúng tôi chỉ còn cách trả lại mặt bằng cho nhà nước vì lợi nhuận không đủ trả tiền thuê đất chứ chưa nói gì đến giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”- vị lãnh đạo này cho biết.

Cùng chung hoàn cảnh này, Cty CP cơ điện miền Trung (CEMC) ngao ngán: năm 2010, CEMC ký hợp đồng thuê lại đất tại KCN Hòa Cầm với đơn giá 4.200 đồng/m2/năm với chu kỳ ổn định 5 năm, sau đó tăng không quá 15%. Nhưng đột ngột, đơn vị này nhận được thông báo tăng giá tiền thuê đất lên 24.150 đồng/m2/năm – tức tăng gấp 5,75 lần so với đơn giá cũ. Việc tăng đơn giá tiên thuê đất đột ngột, nhiều lần đã gây thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh của CEMC. Đại diện Cty này cho hay, quyết định này thể hiện thái độ bất tín đối với DN. "Thứ nhất, DN của chúng tôi chưa hết thời hạn miễn tiền thuê đất theo quyết định đầu tư (đến năm 2015). Thứ hai, tỉ lệ điều chỉnh đơn giá theo cam kết ban đầu chỉ là 15% nhưng đơn giá này đã được thay đổi gấp gần 6 lần, thế có khác gì lừa chúng tôi" – vị này gay gắt.

Nhiều DN cho biết cũng vừa nhận được thông báo tăng giá thuê đất tăng đột biến, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Cty CP Lilama 7 cho biết cũng vừa nhận được thông báo tăng giá thuê đất gấp 5 lần so với giá cũ trong khi hợp đồng thuê đất có ghi rõ Cty được phép thuê đất với mức giá 4.830 đồng/m2/năm cho thời hạn đến năm 2046 (từ 4.830 đồng/m2/năm lên 24.150 đồng/m2/năm).

Đúng nhưng chưa phù hợp

Nộp thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của DN, nhưng "đánh thuế" cao và mạnh trong bối cảnh hiện nay tạo sức ép quá lớn đối với DN.

Luật sư Trương Quốc Anh – Cty luật Vạn Xuân cho biết theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 quy định về việc thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì UBND cấp tỉnh được quyền quyết định ban hành đơn giá thuê đất cao hơn 0,5% giá đất, nhưng tối đa không quá 4 lần, tức đơn giá thuê đất cao nhất bằng 2% giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Đến ngày 30/12/2010, Nghị định số 121/2010/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142. Theo đó, đơn giá thuê loại đất như trên đã bị đẩy lên một năm tính bằng 1,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê. Cùng với đó, nghị định cũng cho phép căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê đất tối đa không quá 2 lần đơn giá thuê đất cho trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, theo ông Anh, nguyên tắc điều chỉnh giá thuê đất của các địa phương phải bảo đảm không cao hơn tốc độ tăng giá đất trung bình hằng năm do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương công bố. Quan trọng hơn, việc điều chỉnh giá thuê đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh áp đặt một chiều gây bất lợi, lúng túng cho DN... “Luật hồi tố đã quy định, cái gì có lợi hơn thì làm. Vì vậy, nên cho phép các DN đã ký hợp đồng trước khi có Nghị định 121 được đóng tiền sử dụng đất theo hợp đồng đã ký trước đây”, ông Anh nói.

Đại diện Cty CP du lịch Hương Giang - ông Thành chia sẻ:“Chúng tôi rất cảm thông với nhà nước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu ngân sách giảm nhưng nếu muốn tăng thu ngân sách bằng cách tạo điều kiện cho DN phát triển để thu thuế XNK, thuế thu nhập DN, thuế GTGT... chứ “tận thu” bằng cách tăng giá thuê đất lên cao gấp nhiều lần thế này thì khác nào đẩy thêm khó khăn cho DN”.

Ông Thiết kiến nghị, Nhà nước đang có nhiều chính sách rất uyển chuyển nhằm giảm một số loại thuế. Nay, trong khi DN đang cố gắng cầm cự để chống chọi với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, mặt khác còn phải tăng lương cho người lao động... mà lại tăng giá thuê đất lên tới hơn chục lần thì khó có thể khiến DN yên tâm sản xuất.

Theo Nguyễn Phước (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.