Vì hiện nhu cầu vốn trung, dài hạn chưa có dấu hiệu cải thiện nên ngân hàng chỉ mong phát triển được vốn ngắn hạn.
Tăng dư nợ nhìn vào tín dụng xuất khẩu

Cùng với chủ trương của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho các DN lĩnh vực xuất khẩu, những ngày qua các NHTM đã tung ra nhiều chiến lược ưu đãi cho DN xuất khẩu, với kỳ vọng kích thích dư nợ trong 5 tháng còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 25%.

Vì hiện nhu cầu vốn trung, dài hạn chưa có dấu hiệu cải thiện nên ngân hàng chỉ mong phát triển được vốn ngắn hạn, song theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, điều này cũng không dễ dàng.

Dành vốn giá rẻ cho xuất khẩu…

So với tháng trước, lãi suất cho vay thỏa thuận ngân hàng áp dụng hiện đã giảm 1 - 2%/năm. Nhưng mức lãi suất cho vay thấp nhất 11 - 12,5%/năm hiện nay chỉ dành cho vay phát triển tín dụng, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu và DN nhỏ và vừa.

Hiện nay, DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu là đối tượng khách hàng được các ngân hàng quan tâm dành vốn giá rẻ. Các nhà băng kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu vì cho rằng, nhu cầu vốn sẽ tăng khi lãi suất giảm xuống và hiện cầu vốn trung, dài hạn vẫn chưa có dấu hiệu tăng, do áp lực lãi vay còn cao hơn khả năng sinh lời.

Cụ thể, tại HDBank, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay thấp nhất HDBank đang áp dụng khoảng 11%/năm. Nhưng riêng đối với các DN vay vốn phục vụ xuất khẩu là 8%/năm.

"Chúng tôi tập trung cho vay khách hàng DN nhỏ và vừa và các DN xuất nhập khẩu có phương án kinh doanh và sử dụng vốn vay hiệu quả; ưu tiên cho vay vốn giá rẻ đối với DN xuất khẩu có cam kết chuyển các giao dịch và doanh số về tài khoản của khách hàng mở tại HDBank và bán ngoại tệ cho Ngân hàng", ông Đặng nói và cho biết thêm, HDBank có sản phẩm "Tài trợ xuất khẩu bằng VND theo lãi suất USD", với tổng hạn mức tài trợ dành cho khách hàng xuất khẩu là 500 tỷ đồng.

VietinBank dành 60.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, với lãi suất dành cho DN xuất khẩu ở mức 11%/năm, còn lãi suất dành cho khu vực nông thôn ở mức 12%/năm. Lãi suất cho vay ngoại tệ khoảng 4%/năm.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, từ đầu tháng 7 đến hết năm 2010, Ngân hàng sẽ dành từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng tín dụng cho khu vực nông thôn và khoảng 30.000 tỷ đồng cho DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu.

Còn tại Eximbank, các DN xuất khẩu cũng được vay vốn VND với lãi suất khá ưu đãi. Ngân hàng này tiếp tục đẩy mạnh chương trình "Tài trợ xuất khẩu bằng VND", với lãi suất áp dụng kể từ ngày 14/7 là 12%/năm và Eximbank dự kiến sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho DN vay theo chương trình trên.

Sacombank cho DN Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia được hưởng mức lãi suất vay ưu đãi VND tối thiểu 12%/năm kể từ ngày 15/7. Đồng thời, khách hàng được hỗ trợ giảm 30% phí chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia kể từ nay đến hết ngày 31/12/2010. Ngoài ra, các đối tác nhập khẩu của các DN này tại Campuchia cũng được Sacombank cho hưởng cơ chế lãi suất vay ưu đãi bằng USD tối thiểu 8%/năm (mức lãi suất vay USD trung bình tại thị trường Campuchia hiện từ 10 - 12%/năm).

Phó tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cũng cho biết, Ngân hàng từng bước điều chỉnh giảm dần lãi suất thỏa thuận cho DN xuất khẩu, vì đây là đối tượng khách hàng mục tiêu trong tăng trưởng tín dụng năm nay của ACB.

Có thể nói, trong hơn nửa đầu tháng 7/2010, các NHTM đã thể hiện sự đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất để tiến tới mục tiêu thực hiện lãi suất cho vay VND khoảng 12%/năm và lãi suất huy động VND khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, lãi suất cho vay thỏa thuận cũng chưa về mức kỳ vọng của DN.

Thực tế, các ngân hàng đã nỗ lực để dành ưu đãi tốt nhất cho DN trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng trước diễn biến hiện nay, nhất là với thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Âu đang thu hẹp khiến hoạt động của DN gặp khó khăn. Do đó, với mức lãi suất thỏa thuận 12 - 12,5%/năm, không phải nhà xuất khẩu nào cũng mạnh dạn tiếp cận vốn vay mở rộng kinh doanh.

… liệu có kích thích được tín dụng?

Đánh giá về tín dụng xuất khẩu nói riêng, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng còn lại năm 2010 nói chung, một cán bộ trong ngành ngân hàng cho rằng, tín dụng khó tăng trưởng đột biến thời gian còn lại của năm nay và nhiều khả năng không đạt kế hoạch tăng trưởng 25% đặt ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP chung cho cả năm 2010.

Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng chậm chạp này là do các DN đang bị "kẹt" đầu ra. Thống kê cho thấy, đến thời điểm 30/6/2010, có đến 1/6 lượng hàng công nghiệp tồn kho, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nên trước mắt, khu vực sản xuất - kinh doanh khó hấp thụ được thêm lượng vốn lớn trong thời gian ngắn, dù lãi suất đã giảm.

Mặt khác, theo lý giải của ông Đặng, dư nợ khó tăng một phần cũng do nhiều DN nhỏ và vừa vẫn khó đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng, vì nợ thuế, nợ quá hạn, trình độ quản lý không cao… Do đó, dù các ngân hàng rất muốn mở rộng quy mô cho vay cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, với nhóm DN xuất khẩu, do các thị trường ở châu Âu đang gặp khủng hoảng nợ công nên theo Phó tổng giám đốc HDBank, các ngân hàng khó tăng mạnh tín dụng cho DN xuất khẩu, dù đây là nhóm khách hàng mà ngân hàng có nhiều ưu đãi nhất. Các NHTM khó phát triển tín dụng cho DN ở lĩnh vực cà phê, gạo, thủy sản và thực tế vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu 5 NHTM nhà nước cân đối vốn để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ Hè Thu năm 2010, tín dụng ước tính cho việc mua tạm trữ gạo này khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc ABBank cho rằng, trong những quý đầu năm 2010, lãi suất còn cao khiến tăng trưởng tín dụng khá thấp. Do vậy, nên DN đã phải dùng các phương thức huy động vốn khác nhau, thay vì vay vốn của ngân hàng. Còn hiện nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, lạm phát đang được kiềm chế… cũng là những yếu tố thuận lợi để giảm thêm lãi suất.

Song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với dư nợ tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt trên 10%, trong đó chủ yếu là vốn vay bằng ngoại tệ thì việc thực hiện tốc độ tăng trưởng dư nợ khoảng 25% như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra trong năm nay là không dễ.

Vì lãi suất khó giảm thêm so với mức hiện nay, do còn phụ thuộc vào "đáy" và "trần" là chỉ số lạm phát. Hiện so với lạm phát, lãi suất tiền gửi đã thực dương, nhưng điều người gửi tiền quan tâm nhất vẫn chính là khả năng sinh lời giữa gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác.

TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, lạm phát năm nay có khả năng được kiềm chế ở mức dưới một con số, nhưng chưa thể nói là 7% hay 8%. Do đó, lãi suất khó có thể giảm sâu và tín dụng không thể đột biến trong thời gian còn lại của năm. Đồng thời, theo ông Ánh, quy mô tổng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam đã tăng quá cao trong năm 2009 nên khó nới lỏng hơn trong năm nay.

Cafeland.vn
theo Đầu tư chứng khoán

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland