Thu hồi đất xong nhưng doanh nghiệp không triển khai khiến hàng trăm ngàn ha đất bỏ hoang. Dự án “treo” đang gây lãng phí nghiêm trọng. Đó là một nghịch lý mà Luật Đất đai (sửa đổi) cần “hóa giải”.

Trên 130.000ha đất bỏ hoang

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) cho hay, đến cuối năm 2012 cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với trên 130.000ha đất bỏ hoang. Nơi có diện tích đất bỏ hoang nhiều nhất là các tỉnh, thành Nam Bộ, mà nổi cộm là khu vực ĐBSCL. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lý giải: “Các tỉnh có phần nôn nóng phát triển công nghiệp nên nhiều tỉnh thuần nông, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém cũng ào ào phá lúa, vườn cây ăn trái để quy hoạch khu công nghiệp (KCN).

Tính đến cuối năm 2012 cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với trên 130.000ha đất bỏ hoang.

Tuy nhiên, ở ĐBSCL chưa đến 50% đất trong các KCN được cho thuê, điều đó gây lãng phí rất lớn về đất đai. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi thành lập các KCN đã thiếu nghiên cứu, tính toán bài bản, từ đó mạnh ai nấy làm, dẫn đến tự cạnh tranh nhau”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết: “Theo quy định, dự án để “treo” trong vòng 1 năm không đưa đất vào sử dụng hoặc để 2 năm sử dụng đất không đúng tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất nhưng các dự án đó vẫn được phép gia hạn khi được UBND cấp tỉnh đồng ý.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế cũng là một trong những điều kiện bất khả kháng của chủ đầu tư và họ được phép xin gia hạn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khó thu hồi các dự án “treo”, vì thế tình trạng dự án “treo” vẫn kéo dài năm này qua năm khác”.

Các chuyên gia chính sách đất đai cho rằng cơ chế Nhà nước thu hồi đất của các dự án “treo” trong luật hiện hành thực sự thiếu sức sống. Khi nhà đầu tư đã nhận đất thì họ phải trả tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, sau đó là một số đầu tư tối thiểu như quy hoạch chi tiết, san nền, xây tường rào. Vướng mắc nhất là những dự án đã thu tiền sử dụng đất, đồng thời chủ đầu tư đã triển khai quây hàng rào, san lấp mặt bằng… nếu muốn thu hồi lại địa phương sẽ khó có tiền hoàn trả cho nhà đầu tư.

Mạnh tay xóa dự án “treo”

Để xử lý những nhà đầu tư nhận dự án rồi để đất hoang, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ: “Cần thay cơ chế thu hồi đất “treo” bằng cơ chế tăng thuế, nộp tiền sử dụng đất bổ sung hoặc tăng tiền thuê đất đối với đất “treo” mà nhà đầu tư phải nộp". Ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ TNMT thừa nhận: “Hiện nay có nhiều dự án treo, nhiều dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng không triển khai”.

Về thu hồi sử dụng đất ở các dự án “treo”, ông Hiển cho rằng: “Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã có chế tài xử lý. Đối với các dự án chỉ có chủ trương đầu tư, chưa giao đất, sau 3 năm chưa thực hiện sẽ bị hủy bỏ. Còn đối với các dự án giao đất, cho thuê rồi, nếu sau 12 tháng chưa triển khai sẽ thu hồi đất, nếu dự án đã triển khai rồi mà chậm trễ thì sau 24 tháng sẽ thu, cho phép chủ đầu tư gia hạn chỉ 1 lần, tối đa 12 tháng, trước đây không quy định gia hạn bao nhiêu”.

Các dự án “treo” quá thời gian quy định cũng sẽ hết đường chuyển nhượng lòng vòng để trốn tránh bị thu hồi. Ông Lê Thanh Khuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) cho biết: “Các dự án “treo” khi bị thu hồi thì chủ đầu tư sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và tiền giá trị đầu tư tài sản trên đất, tài sản gắn liền với đất còn lại”. Như vậy, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi nhanh chóng mà không vấp phải rắc rối nào về tài chính như hiện nay.

Việc giám sát tiến độ thực hiện dự án cũng tăng cường hơn từ lúc bắt đầu triển khai cho đến khi kết thúc dự án, chủ đầu tư cũng phải thường xuyên có báo cáo quá trình thực hiện dự án, thay vì kiểm tra, thanh tra đột xuất như trước đây. “Nếu nhà đầu tư thấy không làm được mà trả đất trước thời hạn gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán quỹ đất này. Câu chuyện này sẽ được xử lý rất sòng phẳng. Còn nếu nhà đầu tư nào vẫn cố tình chây ỳ, cố tình giữ dự án thì bắt buộc phải có phương án thu hồi đất” – Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội: Cần thu hồi để trả cho dân

Tại các thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao như Hà Nội thì hầu hết các quy hoạch chung đều được xây dựng khoa học, bài bản và hướng tới lâu dài. Quy hoạch treo chỉ xuất hiện ở các dự án cụ thể. Đối với các dự án "treo" theo kiểu "xí phần" chiếm đất, nhiều năm nay người dân đã kiến nghị rà soát, phân loại, phát hiện dự án nào sai phạm đề nghị tiến hành xử lý theo Luật Đất đai hiện hành. Đất thuộc các dự án "treo" nhân dân kiến nghị thu hồi theo luật và tiến hành trả lại cho nhà nước, cho người dân bị thu hồi đất trước đó. Thành phố Hà Nội hiện cũng đang làm việc này, tuy nhiên việc thực hiện phải quyết liệt, xử lý triệt để, tránh tình trạng rà soát, báo cáo xong rồi để đó.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định: Sẽ huỷ bỏ đối với những dự án có chủ trương đầu tư chưa giao đất nhưng sau 3 năm không thực hiện; thu hồi sau 12 tháng đối với dự án đã giao đất nhưng chưa triển khai. Đối với các dự án đã giao đất, đã triển khai nhưng chậm tiến độ sẽ thu hồi sau 24 tháng nhưng được gia hạn thêm 1 lần (tối đa là 12 tháng). Dự thảo luật quy định như vậy là có đổi mới, tinh thần quyết liệt hơn luật hiện hành. Có luật mới, nhưng dưới luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể thì việc thực thi mới có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tủi - Phó phòng Kinh tế xã hội, Hội ND TP.HCM: Xem xét dự án kỹ rồi mới thu hồi

Hiện, TP.HCM có nhiều dự án, quy hoạch "treo", nhưng trong số đó không có dự án nào "dính" đến đất nông nghiệp. Tuy nhiên, mỗi năm thành phố cũng có hàng ngàn ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ND. Do đó, điều ND TP.HCM mong muốn hiện nay là cơ quan chức năng sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết các vùng đất sản xuất nông nghiệp trọng điểm để họ an tâm sản xuất.

Để hạn chế việc ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong các quy hoạch sử dụng đất, theo tôi, dự thảo Luật Đất đai cần phải xem xét, quy định phạm vi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân xung quanh, sau đó là đưa ra dân bàn, lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong nông dân. Cuối cùng, sau khi xem xét sự khả thi của dự án, mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đời sống người dân và có phương án xử lý thỏa đáng cho người dân rồi Nhà nước mới cấp phép xây dựng.

Sử dụng đất không đúng mục đích; người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất:

Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền;

Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng (12) liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

Người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất.

Việc thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

(Trích Điều 52 về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai)

Đình Thắng (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.