Trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Ủy viên UB Kinh tế Quốc hội cho rằng ngoài việc hỗ trợ cho DN, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo người có thu nhập thấp… để tăng lực cầu ở mức hợp lý thì mới giải quyết được bài toán cung cầu. Đồng thời, nhanh chóng giảm lãi suất xuống 10%/năm.

Một số ý kiến cho rằng, thực trạng của nền kinh tế hiện nay khó khăn hơn nhiều so với đánh giá của Chính phủ, nhận định của ông như thế nào ?

Nền kinh tế hiện nay rất khó khăn và đang trong quá trình suy giảm và chúng ta đã nhìn thấy được nguyên nhân. Vấn đề là phải quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra.

- Vậy, theo ông, các giải pháp của Chính phủ đưa ra đã đủ để giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay chưa ?

Qua báo cáo của Chính phủ tính đến tháng 4/2012 tổng số DN ngừng hoạt động và phá sản lên tới trên 80 nghìn. Vấn đề đằng sau đó là hàng trăm nghìn lao động mất việc làm. Vì vậy không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho DN, mà Chính phủ cần phải tăng cường gói hỗ trợ phía sau. Nói cách khác đó là các chính sách an sinh xã hội.

Nguyên nhân dẫn tới khó khăn hiện nay là do để bất ổn kinh tế vĩ mô trong một thời gian dài nên khi “uống thuốc điều trị” sẽ dẫn đến những “tác dụng phụ” . Nhưng đừng vì những “tác dụng phụ” mà ngưng “thuốc”. Hiện nay, chúng ta cần hai nhóm giải pháp:

Thứ nhất là nhóm giải pháp ngắn hạn Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng theo tôi còn thiếu. Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ DN thì cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp vào nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, gia đình chính sách…. Như vậy sẽ góp phần tăng tổng cầu.

Thứ hai là nhóm giải pháp dài hạn mà Chính phủ phải tiếp tục theo đuổi là chính sách tài khóa thận trọng, nới ở chỗ này nhưng phải chặt ở chỗ khác chứ nếu chỉ nới không thì sẽ tiếp tục làm mất cân đối ngân sách, bội chi, lạm phát… Đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ phải có thông điệp rõ ràng đồng thời điều hành chính sách tiền tệ theo hướng lãi suất sẽ giảm và ổn định lâu dài chứ không phải năm nay giảm năm sau lại tăng khiến DN không thể dự báo được. Ở thời điêm này cần tiếp tục giảm sâu cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo tôi là nên giảm tiếp từ 12% hiện nay xuống 10%. Chúng ta phải điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu chứ cứ không chạy chạy theo CPI, giá xăng dầu… Có như vậy chính sách tiền tệ mới ổn định lâu dài và DN mới mạnh dạn đầu tư.

- Theo ông cần có những giải pháp gì để giải quyết hàng tồn kho cho các DN hiện nay ?

Thực tế cho thấy hàng tồn kho không chỉ có trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như sắt thép, giày dép… mà có rất nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp như cá, tôm, lúa gạo… Cần phải phân loại rõ các loại hàng tồn kho. Chẳng hạn như sắt thép, xi măng đây không phải là những mặt hàng tồn kho do lỗi từ phần cầu mà do cung không kiểm soát, mọc lên quá nhiều nhà máy không đúng theo quy hoạch. Vì vậy phải xem xét lại vấn đề quy hoạch xây dựng các nhà máy xi măng, sắt thép trong thời gian vừa qua. Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngoài việc hỗ trợ cho DN, phải hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo người có thu nhập thấp để tăng lực cầu ở mức hợp lý thì mới giải quyết được bài toán cung cầu.

- Để tăng cầu cũng đã có đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, theo ông điều này có cần thiết ?

Về cân đối ngân sách thì bội chi hiện rất lớn, năm 2011 là 4,9% GDP. Năm 2012 chúng ta tiếp tục bôi chi. Chúng gia miễn giãn giảm thuế để hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn làm sao động viên và tạo động lực để tăng nguồn thu. Lúc này đừng nghĩ tới giảm, giãn nhiều quá. Đây là giải pháp ngắn hạn cần thiết để chúng ta nhìn về cái dài hạn là đề án tái cấu trúc nền kinh tế.

- Tình trạng tồn kho gây khó khăn cho DN, nhưng theo ông lại giãn, giảm có mức độ, vậy có gì mâu thuẫn ?

Lúc này không chỉ có kích cầu trong tiêu dùng mà cần cả kích cầu trong đầu tư. Kéo giảm lãi suất sâu thì sẽ kích thích DN vay để đầu tư. Kích cầu cần giải pháp tổng thể chứ không chỉ sử dụng giải pháp tài chính vì nguồn tài chính hiện nay của chúng ta hiện nay rất eo hẹp. Phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại để kéo giảm được lãi suất sâu. Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm. Năm 2009 khi tác động của tài chính và suy thoái kinh tế. Quý I/2009 chúng ta tăng trưởng thấp nên phải dùng nhiều gói kích cầu với dung lượng lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng không kiểm soát tốt dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô và phải tăng lãi suất trở lại trong năm 2010, gây khó khăn cho DN. Vì vậy lúc này phải thận trọng ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô. Đó mới là giải pháp căn cơ nhất.

- Trong đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ không thấy đề cập đến vấn đề kinh phí để thực hiện nhưng nhiều đại biểu cho rằng phải có một lượng tiền nhất định để đảm bảo đề án thực thi. Quan điểm của ông ?

Đây cũng mới chỉ là những phác thảo ban đầu, sau đó cần sự hợp tác của các thành viên, đưa ra những kịch bản cụ thể. Hiện nay, nó mới giống như dự án tiền khả thi chứ chưa phải là một luận chứng kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh. Trên thực tế, bước đầu chúng ta đã triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại từ tháng 3/2012. Chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc đầu tư, nhưng tái cấu trúc các tập đoàn, TCty trong thời điểm hiện nay là nóng nhất cần ưu tiên giải quyết nhanh nhất vì những tiêu cực của các tập đoàn kinh tế trong thời gian vừa qua.

- Xin cảm ơn ông !

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.