Trao đổi với PV báo PL&XH, đại diện một hộ dân cho biết: “Mặc du, phải bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua căn hộ tại KĐT Văn Phú, nhưng từ khi chuyển về đây sinh sống, gia đình đã phải sửa chữa cải tạo lại rất nhiều hạng mục trong ngôi nhà.

Hiện đại kiểu… trong mơ

Khi bắt đầu triển khai dự án, KĐT Văn Phú được chủ đầu tư vẽ ra trong “trí tưởng bở” của giới đầu tư bất động sản và người dân bằng hình ảnh quy hoạch KĐT dựa trên ý tưởng từ những KĐT hiện đại, văn minh ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Theo dự tính, KĐT Văn Phú sẽ thu hút khoảng 2 vạn người sinh sống, được ví như một TP thu nhỏ trong lòng quận Hà Đông, với sự kết hợp hoàn hảo giữa các khu nhà ở, công viên cây xanh và công trình xã hội…

Được triển khai xây dựng hạ tầng từ năm 2007, KĐT Văn Phú được xem là dự án đô thị kiểu mới đầu tiên ở quận Hà Đông. Phía Cty CP đầu tư Văn Phú Invest từng cho rằng, đây là một KĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh thức tiềm năng, khơi nguồn phát triển, làm thay đổi diện mạo của vùng đất phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện dự án, đến nay diện mạo một KĐT hiện đại đang bị “biến hình” dần trong con mắt người dân. Thay vào đó, KĐT Văn Phú như một công trình “dở dang” và đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, người dân đang tận mắt chứng kiến một KĐT Văn Phú “vừa làm vừa sửa”, nhiều căn hộ bạc tỷ mà người dân đang sở hữu đã bị nứt toác, thấm nước loang lổ nhiều nơi. Không những thế, không ít hộ dân đã đạt được “niềm mơ ước” là sở hữu một căn hộ trong KĐT Văn Phú đang phải “khóc dở, mếu dở” vì bán đi không được do căn hộ sụt lún nên chẳng ai dám mua, ở thì không dám vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Chất lượng kém… “nhìn thấy”

Trao đổi với PV báo PL&XH, đại diện một hộ dân cho biết: “Mặc du, phải bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua căn hộ tại KĐT Văn Phú, nhưng từ khi chuyển về đây sinh sống, gia đình đã phải sửa chữa cải tạo lại rất nhiều hạng mục trong ngôi nhà. Gần đây, tầng 3 của ngôi nhà bị thấm dột nhiều chỗ, mỗi khi mưa xuống nước lại thấm từ tầng mái xuống các tầng còn lại. Cực chẳng đã, gia đình phải thuê thợ khoan mấy lỗ tại sàn nhà để thoát nước”. Một gia đình khác còn tỏ ra bức xúc hơn khi dẫn PV đi quanh nhà và chỉ từng vết nứt trên tường: “Lúc mới nhận nhà mộc (nhà chưa hoàn thiện - PV), tôi lấy tay cạy vào tường nhà thì có những chỗ vữa xi măng có thể bóp nát như cám”. Và theo chia sẻ của khổ chủ thì gia đình đã phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện căn nhà với hi vọng sẽ “cải thiện” được chất lượng công trình. Nhưng đến nay nhà vẫn bị nứt mà… đanh cắn răng chịu đựng.

Cần siết chặt công tác quản lý

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hoàng Tâm, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết: “Hiện nay dự án này chủ đầu tư đang thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND quận chưa được tiếp nhận cũng như chưa có văn bản nào để tiếp quản dự án này. Song nói thế không hẳn chính quyền đứng ngoài cuộc, chính quyền sẽ tham gia với một góc độ nào đó thôi. Những khiếu nại về chất lượng liên quan đến dự án thì trách nhiệm chủ yếu vẫn thuộc về chủ đầu tư, bởi đây là những giao dịch dân sự giữa người mua và bên bán”. Ông Tâm cũng cho rằng, hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc tham gia quản lý giữa chính quyền và chủ đầu tư một cách rõ ràng tại các dự án KĐT đã hoàn thành và khi có khiếu kiện liên quan đến chất lượng.

Theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Đô thị mới đã có hiệu lực thi hành 6 năm. Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển trong môi trường xã hội ngày càng năng động và kinh tế ngày càng đa dạng, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều điểm bất cập, do đó việc xem xét điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với tiến trình phát triển cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội là rất cần thiết.

Còn với cách quản lý như hiện nay, dường như nó đang thiếu đi một mô hình chuẩn để đáp ứng những yêu cầu về một đô thị hiện đại, có bản sắc và phát triển bền vững. Bởi vậy, chủ đầu tư chỉ tập trung làm cái gì bán được nhanh nhất, thu hồi vốn nhanh nhất, còn những cái không bán được, thu hồi vốn chậm như trường học, BV, chợ, hạ tầng cơ sở, cây xanh, khu vui chơi cho trẻ em… không mấy được quan tâm. Hơn lúc nào hết, cần siết chặt công tác quản lý đối với các KĐT mới đang lan rộng đến chóng mặt trên đại bàn TP Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước.

Theo Nguyễn Khuê (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.