Sau một năm 2012 đầy “trắc trở” trong khai thác, kinh doanh vận hành dự án 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tưởng chừng Kinh Đô TCI Group sẽ mất nhiều thời gian để dư luận xấu tạm lắng xuống. Tuy nhiên, chỉ hơn 18 tháng sau, Kinh Đô TCI đã trở lại và… lợi hại gấp nhiều lần.

Từ giữa năm 2014, đơn vị này dồn dập xúc tiến triển khai thi công và bán hàng một dự án cao cấp khá quy mô tại quận Cầu Giấy, thông qua nhiều kênh. Thị trường chưa hết ngỡ ngàng, lại được tin Capital Garden ở 102 Trường Chinh chính thức tái… “động đậy” sau 3 năm “nằm im”.

Hồ sơ mở

Thông tin cơ bản về DN BĐS luôn sẵn sàng trên Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia. Còn “sâu” hơn, chỉ có cách tiếp cận qua website chính thống của DN. Hay “bí” lắm, mới phải tìm tới thông tin báo chí.

Trở lại với Kinh Đô TCI (gọi tắt là Tập đoàn Kinh Đô), DN này hoàn toàn không liên quan tới Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô. Tìm hiểu trên trang kinhdotcigroup.com với 2 ngôn ngữ Anh - Việt, thông tin về đơn vị này rất xúc tích và không kém phần “hoành tráng”.

Đầu tiên, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (KinhDo TCI Group) hoạt động trong lĩnh vực BĐS bao gồm: xây dựng, đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại, tại các vị trí đắc địa của Tp.Hà Nội.

Được thành lập năm 1997, với tầm nhìn, tâm huyết và quyết tâm của tập thể ban lãnh đạo công ty, Kinh Đô TCI đã nhanh chóng phát triển trở thành một công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực BĐS gặt hái nhiều thành công, được khách hàng, các đối tác đánh giá cao về uy tín, chất lượng. Hiện quy mô của Kinh Đô TCI Group được mở rộng với 8 công ty thành viên và hơn 200 cán bộ nhân viên…


Thành công duy nhất của lãnh đạo này là 2 lần xin nâng quy mô tầng cao dự án Discovery Complex?

Những nội dung trên đã được phần nào Kinh Đô thể hiện suốt từ năm 2011 đến nay. Điển hình, tổ hợp chung cư cao cấp 93 Lò Đúc (vị trí “vàng” ở quận Hai Bà Trưng) đã đi vào khai thác “ổn định”, sau khi chủ đầu tư “vượt sóng” dư luận theo kiểu “sai đâu sửa đấy” từ năm 2006 đến 2011.

Từ lỗi thi công, tự ý làm sai GPXD rồi tới chuyện tranh chấp sở hữu chung riêng ở chung cư với cư dân, giá trông giữ xe, xây dựng hệ thống cung cấp gas… Tổng hợp các thông tin chính thống xoay quanh dự án 93 Lò Đúc, có lẽ được nhiều chồng hồ sơ.

Và sức mạnh “tiềm ẩn”?

Gây tò mò và đủ đồn đoán về một thế lực “chống lưng” cho những sai phạm mang tính hệ thống, chủ đầu tư chung cư 93 Lò Đúc vẫn là đề tài nóng hổi của cánh phóng viên báo đài trong cả năm 2013.

“Đối tượng” của hàng chục, hàng trăm bài viết phản ánh trong 2, 3 năm qua hầu như chỉ xoay quanh Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (một trong số các đơn vị thành viên của Kinh Đô TCI) mà không chú ý tới sự thăng trầm của một dự án cao cấp khác, là Discovery Complex ở quận Cầu Giấy.

Vài tháng trước, trong đợt truyền thông (trực tiếp/gián tiếp dưới nhiều hình thức) bán hàng cho dự án (đã nhiều lần đổi tên, điều chỉnh cơ cấu lẫn giấy phép từ năm 2007), một số thông tin mang tính trung lập về tiến trình vượt khó của DN đã xuất hiện.

Tóm lược, khi Dự án trung tâm thương mại 302 Cầu Giấy được chính thức sang tên cho Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (thành viên của Kinh Đô TCI), thành công đầu tiên và có lẽ là duy nhất của lãnh đạo này là 2 lần xin nâng quy mô tầng cao.

Cụ thể, năm 2007, dự án rục rịch công trường với quy mô 35 tầng (so với 15 tầng thời điểm 2004 của chủ đầu tư cũ). Năm 2008, dự án không có thêm tiến triển thực tế thi công, bất chấp sự hồi hộp (rồi bức xúc) của nhiều nhà đầu tư đã trót xuống tiền góp vốn.

Năm 2010, dự án lại… tái khởi động với tên mới: Trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ cao cấp. “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhà thầu thi công bỏ đi như một điềm chẳng lành cho Kinh Đô TCI.

Ấy vậy mà 2 năm sau, dự án lại “hâm nóng” thị trường bằng… tên gọi mới rất sang: Discovery Complex, với quy mô nhân đôi: 1 tòa tháp 35 tầng “hóa” thành 2 tòa tháp 38 tầng (văn phòng) và 50 tầng căn hộ.

Miếng bánh cao cấp hút cả Savills lẫn Liên minh sàn G5 vào phân phối, nhưng đến nay chỉ còn G5 “trụ” lại. Dẫu sao, giới kinh doanh BĐS ở Thủ đô cũng phải “ngả mũ” trước khả năng “tái nhiều lần” dự án của Kinh Đô TCI trong giai đoạn BĐS giá lạnh kéo dài.

Môi giới tự do, hay số ít người “đam mê với chung cư cao cấp”, phần nhiều thờ ơ với dự án này. “Cho dù dự án thắp điện sáng cả đêm, nhưng ở gần mới biết, chẳng có bóng thợ nào thi công tăng ca như lăng-xê quảng cáo. Vậy thì lấy gì để tin”, chị Lê Anh, nhà đầu tư chuyên hàng dự án nhìn nhận.

Bàn thêm về thông tin dự án Vườn Thủ đô được “tái” trong quý IV này (sau khi “đắp chiếu” từ năm 2011), một đại diện DN về định giá BĐS khẳng định, đây là kiểu bán hàng đầy “bế tắc” của chủ đầu tư. 310 căn hộ, 21 tầng nổi, hiện trường chỉ có phần ngầm hoàn thành, nếu nhanh nhất, phải tới hết quý I sang năm thì mới mong có khách quan tâm.

Không có bột, thì đừng mong gột lên hồ... Lại thêm quy định mới trong Luật Kinh doanh BĐS là người mua không thể “quản” việc sử dụng đồng tiền góp vốn cho dự án. Đã chậm 3 năm, thì ai dám chắc DN không… chậm tiếp để chờ thị trường lên hẳn?!

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.