Sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu đã gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Cổ đông lớn gây khó khăn

Mới đây nhất, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 9 ngân hàng yếu kém đã có 3 ngân hàng hợp nhất, 1 ngân hàng sáp nhập, 2 ngân hàng tự tái cơ cấu, 2 ngân hàng hiện nay đang được báo cáo Chính phủ phương án tái cơ cấu, 1 trong đó tự tái cơ cấu và 1 sẽ được sáp nhập với ngân hàng khác. Còn 1 ngân hàng hiện đang được NHNN xây dựng phương án cuối cùng với ngân hàng đó.

Cụ thể, trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc năm 2012 thì 5 đơn vị gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank sáp nhập vào SHB và Tienphongbank tự tái cơ cấu xem như cơ bản đã ổn thỏa. Riêng bốn ngân hàng nhỏ còn lại nằm trong diện này là GPBank, Navibank, TrustBank và WesternBank đang nỗ lực tìm phương án tái cơ cấu.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước rất tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan trên lộ trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhưng trên thực tế, để xử lý được một ngân hàng yếu kém hoàn toàn không hề đơn giản. Thậm chí, ngay sau khi đã thực hiện xong bước đầu tiên về mặt thủ tục hợp nhất, sáp nhập thì còn cả một quá trình dài cơ cấu lại tài chính, nâng cao năng lực đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, công sức và con người.

Tuy nhiên, cái khó về thủ tục, về tiền, nợ xấu… cũng như các vấn đề kỹ thuật khác vốn xem là những thách thức lớn rồi đến con người cũng sẽ dần được giải quyết khi có chủ trương và thống nhất hành động. Thành công từ xử lý nợ xấu của SHB sau khi sáp nhập Habubank, quá trình thay đổi cơ cấu cổ đông, lành mạnh hóa và tăng vốn của Tienphongbank hay sự ổn thỏa sau cú hợp nhất 3 tổ chức thành tín dụng thành Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn.

Chính vì thế, điều lo ngại nhất trong tái cơ cấu chính là sự không đồng lòng đến từ chính các cổ đông trong ngân hàng. Hay nói đúng hơn, sau khi những sức ép nguy cơ đổ vỡ, khó khăn đe dọa ngân hàng của họ được giải tỏa thì lòng tham trỗi dậy khiến cho không ít cổ đông không muốn tái cơ cấu làm mất vị trí và quyền lợi của mình.

Điều này cũng đã được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ về tái cơ cấu ngân hàng gửi tới Quốc hội hồi tháng 11/2012 cho biết, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém chậm hơn so với kế hoạch dự kiến. Sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Báo cáo nhấn mạnh, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy trình. Nhưng thực tế lại đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Sự trì hoãn bất lợi

Nói về điều này, một chuyên gia từng tham gia tái cơ cấu một ngân hàng trong số 9 ngân hàng yếu kém cho biết, có một nguyên tắc khi cứu các ngân hàng là không để xảy ra đổ vỡ, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền và gây bất ổn xã hội. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cùng toàn bộ hệ thống phải căng sức để hỗ trợ các ngân hàng yếu kém cả thanh khoản, nhân sự, kỹ thuật… để các ngân hàng này đứng vững, dần dần ổn định lên. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư mới nhằm thay đổi cổ đông để tạo ra nguồn lực mới bổ sung cho ngân hàng.

Những công việc này được âm thầm thực hiện nhưng tạo ra những tiền đề cực kỳ quan trọng cho các tái cơ cấu tiếp theo. Ngân hàng Nam Việt (Navibank), sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc, đã có sự chỉnh đốn và tự khắc phục. Ít nhất, hoạt động ngân hàng này đã được làm rõ hơn, các chỉ số an toàn được xác định chặt chẽ hơn. Những dấu hiệu thay đổi cổ đông, nhân sự thời gian qua ở ngân hàng này đã phần nào phản ánh điều đó.
Ngân hàng Phương Tây đã được sự hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức tín dụng khác về quản trị, thanh khoản. Đặc biệt, những cổ đông mới đã góp một nguồn tài chính, con người rất quan trọng để giúp vực dậy ngân hàng này trong thời điểm khó khăn nhất.

Nhưng vị chuyên gia này cũng cho biết, khi hệ thống ngân hàng bước qua được giai đoạn khó khăn nhất, vấn đề thanh khoản đã được xử lý, nợ xấu đã có phương án giải quyết. Bản thân từng ngân hàng yếu kém cụ thể cũng được ổn định dần lên. Tuy nhiên, sau khi qua được cơn hiểm nghèo thì nhiều cổ đông, ngân hàng lại “tưởng thế là ngon”, lòng tham nổi lên và tìm mọi cách để trì hoãn tái cơ cấu.

Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây, chính Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình đã cho biết, tại vụ tái cơ cấu đầu tiên, hợp nhất 3 ngân hàng thì vẫn còn tiếp tục công việc rất dài. Còn nhiều việc để tái cơ cấu tài chính trong 2 - 3 năm tới. Hay thực tế tại SHB cho thấy, tái cơ cấu là một quá trình dài và đầy khó khăn.

Nói như thế để thấy, những ổn định bước đầu tại các ngân hàng yếu kém cũng là một thành quả mong manh dưới sự trợ giúp trực tiếp kiểu “bơm sữa” cho người ốm chứ chưa phải là đã thoát khỏi nguy cơ. Nói cách khác là “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”. Chính vì thế, trong trao đổi mới đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục khẳng định thông điệp mạnh mẽ về tái cơ cấu ngân hàng theo lộ trình đã định sẵn. Điều đó không chỉ vì các ngân hàng, vì hệ thống ngân hàng mà vì sự ổn định của cả nền kinh tế.

Những thông tin mới nhất cho biết, việc hợp nhất Đề án hợp nhất giữa WesternBank và Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí PVFC để tái cơ cấu ngân hàng này đã đi đến giai đoạn cuối cùng khi chỉ phải chờ đợi quyết định chính thức để triển khai.

Được biết, PVFC hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng, là một công ty tài chính nhưng có tiềm lực mạnh, hoạt động rộng khắp, có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu trên thị trường tiền tệ. Việc hợp nhất PVFC và WesternBank – một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và vừa trải qua một giai đoạn khó khăn, được xem là ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu là một bản kế hoạch hoàn hảo để tái cơ cấu ngân hàng này đạt kết quả tốt. Đồng thời, góp phần tái cơ cấu các tổ chức tín dụng khi sẽ có một tổ chức tín dụng mới quy mô, năng lực và lành mạnh hơn; làm giảm đi một tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.

Theo Ngọc Sơn (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.