“Chưa lúc nào Chính phủ quan tâm đến thị trường BĐS như hiện nay. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có một nguồn tiền lớn được bơm vào các thị trường, trong đó có thị trường BĐS. Thị trường BĐS có thể không nóng lên nhanh chóng, nhưng chắc chắn sẽ phục hồi trong 3 - 4 tháng tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh tại Hội thảo “Vực dậy nguồn lực BĐS” do Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức tại TP. HCM sáng 31/5.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có nguồn tiền lớn được bơm vào thị trường BĐS

Theo ông Nghĩa, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để “phá băng” thị trường BĐS thông qua nhiều chính sách như Công văn 8844 ngày 14/11/2011 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc mở rộng cho vay sửa chữa nhà, mua nhà bằng tiền lương, cho vay hoàn thiện dự án kết thúc trong năm 2012. Kế đến, ngày 4/2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một chỉ thị với nội dung nới lỏng hơn đối với tín dụng BĐS; cho vay cả các dự án hoàn thành sau năm 2012 và đưa BĐS ra khỏi diện không khuyến khích cho vay. Đặc biệt, có tính quyết định hơn cả là các gói tài chính được ban hành mới đây nhằm hỗ trợ DN và thị trường như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN; giảm tiền thuê đất, sử dụng đất; bỏ lãi suất phạt quá hạn…

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng biện pháp mang tính sống còn hiện nay là vấn đề xử lý nợ xấu của DN. Phải giải quyết được vấn đề suy kiệt nguồn vốn của DN và đóng băng tín dụng, để DN có vốn hoạt động và đầu tư, thì kinh tế hồi phục và thị trường BĐS sẽ hồi phục theo.

“Tôi rất tâm đắc với ví von của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng, cả dòng xe tắc nghẽn bởi chiếc xe đi đầu bị hỏng và nằm ngang đường. Chúng ta đi giải quyết những chiếc xe đi sau sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Cách tốt nhất là phải bốc chiếc xe bị hỏng ra khỏi lòng đường mới giải quyết được vấn đề”, ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, biện pháp xử lý nợ xấu chính là cái gốc để giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay.

Theo ông La Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét giảm tiền thuê đất đối với các DN đang thuê đất của Nhà nước. Những DN sử dụng đất thuê cũng đã giảm bớt được áp lực về tài chính... Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 13, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, hỗ trợ thị trường giảm tiền thuê đất, gia hạn tiền sử dụng đất phải nộp.

“Đến nay, trong 15 vấn đề được TP. HCM tập hợp và đề xuất, Bộ Tài chính đã xử lý được 9 vấn đề như: phân cấp thẩm quyền xác định thời điểm bàn giao đất, xác định thời điểm bắt đầu tính tiền, bổ sung nghĩa vụ tài chính… Bộ sẽ đề xuất gỡ những vấn đề còn lại trong thời gian tới”, ông Thịnh cho biết.

Ở góc độ cung cấp vốn cho thị trường BĐS, ông Từ Tấn Phát, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng ACB cho rằng, thực tế hiện nay ngân hàng đang thừa vốn nhưng vẫn chưa quyết định mở cửa mạnh cho lĩnh vực BĐS, lãi vay vẫn còn cao với đối tượng vay. Tuy nhiên, theo ông Phát, hiện các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán có nhiều biến động, lãi tiền gửi đang giảm mạnh, nên khách hàng không còn thấy hấp dẫn và sẽ chuyển sang kênh BĐS.

“Mặc dù các DN vẫn khó tiếp cận trực tiếp được nguồn vốn lãi suất thấp, nhưng nhiều ngân hàng đang có chính sách liên kết với DN BĐS để thực hiện các chương trình bán hàng ưu đãi. Kỳ vọng với những yếu tố này, thị trường BĐS sẽ phục hồi trong vài tháng tới”, ông Phát nói.

Phần lớn chuyên gia tại Hội thảo đều nhìn thị trường thời gian tới với nhiều kỳ vọng, nhưng cũng có ý kiến lo ngại, kỳ vọng này quá lạc quan. Bởi thực tế, nhìn từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, sau những đợt suy thoái kinh tế, lĩnh vực BĐS tốn khá nhiều thời gian để phục hồi. Hơn nữa, nếu chúng ta sử dụng những gói kích cầu, nếu không thận trọng, tình trạng lạm phát cao sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, điều này không đáng lo ngại. Theo ông Nam, xét ở góc độ tín dụng, nhìn từ năm 2010 trở về trước, trung bình tín dụng tăng trưởng mỗi năm ở mức 30%, thậm chí có năm lên đến 53%. Còn năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức từ 15 - 17%/năm, nhưng 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đang bị âm 0,6%. Còn kênh đầu tư công, theo Nghị quyết của Quốc hội, từ nay đến năm 2015, mỗi năm ngân sách chỉ chi khoảng 180.000 tỷ đồng, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tính ra mỗi năm đầu tư công 225.000 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với trước đây. Những con số này khiến chúng ta có thể tự tin rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ được đảm bảo.

“Thời gian tới, ước sẽ có khoảng 500.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn sẽ được bơm ra thị trường. 5 tháng đầu năm, nguồn vốn này chưa được giải ngân và sẽ được giải ngân trong thời gian tới”, ông Nam nhấn mạnh và cho rằng, đây là nguồn vốn vô cùng quan trọng để kích thích nền kinh tế và thị trường BĐS dần hồi phục.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.