UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xử lý các dự án sai phạm ở ven biển Nha Trang nhưng lại tạo điều kiện cho dự án Sao Nha Trang hợp thức hóa phần diện tích lấn biển trái phép 2,3 ha

Ngày 28-9, ông Nguyễn Đình, Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết khu giải trí, dịch vụ E-land Four Seasons đang được tháo dỡ để sửa lại theo phương án thiết kế mới, trong đó khoảng 5.100 m2 dự định làm công trình ngầm sẽ chuyển thành công viên bờ biển có tên Sứa Biển.

Bỏ nhiều công trình

E-land Four Seasons do Công ty TNHH Bốn mùa Nha Trang làm chủ đầu tư, có diện tích khoảng 7.000 m2, nằm ở phía Đông đường Trần Phú (TP Nha Trang) được cấp phép để làm các công trình ngầm với tổng vốn khoảng 150 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án là khu A với khu vực nhà hàng Bốn Mùa (tầng trệt kinh doanh phục vụ ăn uống, tầng hầm làm quán bar) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, dự án này vấp phải sự phản đối của người dân vì công trình chắn biển, ít tính cộng đồng, thiết kế xấu, không phù hợp cảnh quan đô thị... Do đó, khu B, C còn lại với diện tích 5.100 m2 dù đã được cấp phép nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa cũng phải thu hồi, giao TP Nha Trang làm công viên.

Dự án nhà hàng Bốn Mùa bị buộc phá dỡ để làm lại

Theo ông Nguyễn Đình, công viên Sứa Biển đã được UBND tỉnh thỏa thuận phương án quy hoạch, kiến trúc công trình. Tổng kính phí xây dựng công viên trên 7 tỉ đồng do UBND TP Nha Trang làm chủ đầu tư. “Công trình đang được xúc tiến đấu thầu. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành công viên trước tháng 1-2017 để kịp cho bà con đón Tết Nguyên đán” - ông Đình nói. Ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, đánh giá đây là tin vui đối với người dân Nha Trang và du khách. Việc bỏ nhà hàng ngầm cải tạo thành công viên công cộng sẽ trả lại vẻ đẹp vốn có cho bờ biển, tạo thêm không gian công cộng cho người dân hưởng thụ.

Cùng với E-land Four Seasons, UBND tỉnh Khánh Hòa còn “tước quyền” thiết kế dự án Công viên Phù Đổng (phía Đông đường biển Trần Phú) do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Công viên này có tổng diện tích gần 24.000 m2, chia làm 2 phân khu, gồm phần nổi làm công viên, sân khấu, hồ bơi, nhà hàng Nga; phần ngầm sử dụng làm khu dịch vụ thương mại, khu dịch vụ thương mại và bãi đỗ xe. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo điều chỉnh lại thiết kế quy hoạch công viên này theo hướng bỏ bớt các hạng mục ngầm, ưu tiên phục vụ công cộng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện khi thiết kế lại, đã xây dựng nhà hàng Nga và một vài hạng mục để kinh doanh. Vì vậy, theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh giao UBND TP Nha Trang làm chủ đầu tư các hạng mục còn lại của công viên.

Ưu ái cho dự án lấn biển

Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, UBND tỉnh này khẳng định đã chỉ đạo rà soát, giám sát, thực hiện và xử lý các dự án sai phạm hoặc chưa phù hợp ở khu vực ven biển, phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. UBND tỉnh sẽ di dời một số công trình hiện tại như nhà nghỉ 378, resort Anamandara; giảm quy mô một số dự án để tăng diện tích cây xanh...

Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngoại trừ công trình nhà hàng Bốn Mùa, dự án công viên Phù Đổng buộc “sửa sai” thì các công trình sai phạm khác như dự án công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (gọi tắt là dự án Nha Trang Sao, nằm ở phía Đông đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang) do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư lại đang được hợp thức hóa.

Dự án này lấn biển trái phép 2,3 ha, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh. Dù vậy, thay vì buộc chủ đầu tư trả lại nguyên trạng, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa lại tổ chức lấy ý kiến của 11 đơn vị thuộc các sở, ngành về phương án điều chỉnh dự án Nha Trang Sao, trong đó 2,3 ha lấn biển trái phép sẽ giao cho chính chủ đầu tư cải tạo thành công viên. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, phản đối: “Quan điểm của hội là không nên “hợp thức hóa” cho sai phạm như vậy. Chủ đầu tư tự ý lấn biển, cho rằng giải pháp thi công tạm thời đã bắt trả lại nguyên trạng. Nhưng bây giờ lại thu hồi để làm công viên vì sợ việc hoàn trả gây ô nhiễm. Việc làm này không nhất quán, tạo dư luận không tốt. Muốn sử dụng diện tích này cần phải tuân thủ Luật Di sản (vịnh Nha Trang thuộc danh thắng quốc gia - PV), phải xin ý kiến bộ, ngành, Chính phủ”.

Kỳ Nam (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.