Ngày 24-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN-MT đã lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH trên toàn quốc về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, phải điều chỉnh cơ chế giá bồi thường để người dân không còn phải chịu thiệt khi bị thu hồi đất.

Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Theo bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Bình Định, giá bồi thường luôn thấp hơn giá thị trường nên dễ gây bức xúc cho người bị thu hồi đất. Bà nói: “Sửa luật phải rất lưu ý vấn đề này. Phải tính toán mọi yếu tố trong thu hồi đất để người dân không bị thiệt thòi...”.

ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) kiến nghị, thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế - xã hội nên áp dụng cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân về mức bồi thường. Chỉ có như vậy mới hạn chế được xung đột lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chủ đầu tư.

Cũng liên quan tới tài chính đất đai, đại diện tỉnh Khánh Hòa cho rằng, linh hồn của Luật Đất đai là giá đất. Mọi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà, sách nhiễu... đều từ giá đất mà ra. Ông này kiến nghị: “Chỉ nên áp dụng cơ chế một giá đất. Nếu cứ tiếp tục cơ chế hai giá đất, không thể biết khi nào thì giá thị trường, khi nào áp giá Nhà nước.” Nhiều ý kiến cho rằng, phải có quy định về cơ quan định giá đất độc lập, không thuộc bộ máy Nhà nước, mới có thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Mang tới nghị trường nỗi bức xúc của người dân sống trong vùng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thành Lập nói, Nhà nước phải có chính sách bảo vệ quyền lợi của người dân sống trong các khu vực đó. Ông thẳng thắn: “Nhiều khu nằm ỳ tới 30-40 năm, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân. Không được cấp “sổ đỏ”, xin sửa chữa cũng không được, không cải tạo, nâng cấp được nhà. Không thể để dân khổ như vậy, phải điều chỉnh chỗ này để đảm bảo quyền lợi người dân”.

Để ngăn chặn dự án “treo”, ông Huỳnh Thành Lập kiến nghị: “Bắt buộc các doanh nghiệp khi muốn xem xét được giao đất dự án phải ký quỹ, có ngân hàng bảo lãnh để chứng minh năng lực tài chính, hạn chế tới mức thấp nhất dự án “ôm” đất rồi bỏ hoang tràn lan, vừa khổ dân, vừa gây lãng phí lớn như hiện nay.” Cũng bức xúc với tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, ĐBQH Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) lên tiếng: “Phải có cơ chế tài chính để xử lý vấn đề này. Tôi đồng tình đánh thuế lũy tiến dự án “treo”. Nếu sau 24 tháng bị đánh thuế mà dự án vẫn “treo” thì phải thu hồi ngay. Tất nhiên, nếu nhà đầu tư chứng minh được dự án chậm do lỗi của chính quyền thì sẽ không phải chịu thuế”.

Thành Nam (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.