Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đô thị hóa là một xu thế tất yếu tại mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP cả nước. Hệ t

Đô thị phát triển

Từ năm 1990 đến này, đô thị phát triển mạnh mẽ cả về số lượng đô thị và số dân đô thị với đủ các loại hình: Đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị hành chính, đô thị du lịch, đô thị tổng hợp, song quy mô còn nhỏ bé. Năm 1990 các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó cả nước mới có khoảng 500 đô thị (tỷ lệ đô thị hoá vào khoảng 17 - 18%). Đến năm 2000 con số này lên 649 và năm 2003 là 656 đô thị. Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V.

Tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam vào năm 2020 dự báo sẽ đạt khoảng 40%, tương đương với số dân cư sinh sống tại đô thị chiếm trên 45 triệu dân. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hoá.

Chất lượng đô thị

Hồi thập niên 1960 - 1970 ở các TP lớn của Việt Nam bắt đầu xuất hiện các khu nhà ở, các khu tập thể mà khái niệm nhà cao tầng ngày ấy chỉ cao 4 - 5 tầng. Thập niên 1990 - 2000 Việt Nam bắt đầu xuất hiện những nhà cao tầng (15 - 30 tầng) đánh dấu sự chuyển mình. Giai đoạn 2000 - 2015 bắt đầu xuất hiện những tòa tháp được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế như Keangnam Hanoi, Landmark Tower cao 336m (72 tầng), Lotte Center Hà Nội cao 267m (65 tầng); Bitexco Finacial cao 262m (68 tầng)… đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị và tạo nên những điểm nhấn đô thị ở thế kỷ XXI.

Song phát triển quá nhiều nhà chung cư trong khu vực nội thị trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến hạ tầng kỹ thuật cho các khu nhà chung cư gây ra quá tải hạ tầng chung cư ở các khu đô thị lớn. Vì vậy, chúng ta không nên quá nóng vội, lấy số lượng nhà cao tầng được xây làm thước đo cho tốc độ đô thị hoá, hiện đại hoá mà lấy chất lượng và khả năng thích ứng trong tương lai làm tiêu chuẩn. Cần thực hiện quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng ngay từ khâu quy hoạch và thực thi quy hoạch trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư nội đô.

Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc độc đáo và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của các đô thị không thể không kể đến những cây cầu như cầu Nhật Tân Hà Nội - cầu dây văng lớn nhất Việt Nam là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục, nhiều nhịp trên thế giới áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp. Cầu Rồng Đà Nẵng - được bầu chọn vào danh sách các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc thế giới; hay cầu Phú Mỹ ở TP.HCM - không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới bởi phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.

Nhà ở

Công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở. Tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người (tăng 1,1m2 sàn/người so với năm 2014; tăng 4,5m2 sàn/người so với năm 2010); trong đó, tại khu vực đô thị đạt khoảng 26m2 sàn/người (tăng 3m2 sàn/người so với năm 2014; tăng 5,8m2 sàn/người so với năm 2010).

Giao thông đô thị

Giao thông liên vùng, liên đô thị và nội đô đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị. Chất lượng phục vụ của giao thông công cộng tại các đô thị ngày càng tốt hơn. Hệ thống tàu điện ngầm và tuyến đường sắt trên cao đã bắt đầu triển khai thực hiện tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị (còn thấp so với yêu cầu từ 20 - 25%), tỷ lệ đất dành cho bãi đỗ xe đạt dưới 1% đất xây dựng đô thị (yêu cầu từ 3 - 3,5%).

Các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án mang tính chiến lược trong việc giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông mà hệ thống đường bộ không đáp ứng được tại các TP lớn. Dự kiến, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị trong đó đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Bác Cổ, Nam Thăng Long - Bác Cổ và Giáp Bát - Gia Lâm. Dự án đường sắt đô thị TP.HCM bao gồm tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên; tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương… đang được triển khai thực hiện.

Cầu trong đô thị ngày nay bao gồm nhiều loại hình: Cầu vượt sông, nước, cầu vượt nút giao thông và cả cầu bộ hành, cầu cảnh quan trong công viên và trên các tuyến giao thông. Hiện nay cầu chủ yếu được thiết kế theo 3 loại hình dáng riêng biệt là cầu bê tông cốt thép, cầu treo dây võng và cầu treo dây văng. Tuy nhiên, các cầu vượt hiện nay trong đô thị tại Việt Nam vẫn chưa được xem như một công trình kiến trúc, dẫn đến kiến trúc cầu vượt còn đơn điệu, nặng nề yếu tố công năng sử dụng, còn thiếu “lựa chọn” công nghệ mới và vật liệu mới, thiếu hệ thống thiết bị đô thị hiện đại bởi vậy các cây cầu vượt hiện chưa tạo được cảnh quan cho đô thị. Điển hình là những cây cầu có chức năng nhỏ như các cây cầu vượt lắp ghép hay cầu bộ hành vẫn chưa được quan niệm như là một tác phẩm, mà nó mới đơn thuần đảm bảo công năng chứ chưa tính đến yếu tố thẩm mỹ cũng như không gian: Không gian phía dưới gầm cầu, không gian các công trình xung quanh.

Cấp nước thoát nước

Tổng công suất thiết kế cấp nước đô thị đạt khoảng 7,4 triệu m3/ngđ, tăng 0,4 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2014, tăng 1,2 triệu triệu m3/ngđ so với cuối năm 2010. Cả nước có gần 100 DN cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn nhỏ tại các đô thị thị trên toàn quốc. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 81,5% (tăng 1,5% so với năm 2014, tăng 5,5% so với năm 2010); Mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đầu người khoảng 108 lít/người/ngđ. Tuy nhiên, việc cấp nước còn gặp khó khăn và thách thức bởi tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với sự gia tăng dân số nên việc đầu tư phát triển chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu. Phạm vi bao phủ còn thấp mới đạt 81,5%.

Hiện nay có trên 30 nhà máy thoát nước với tổng công suất vận hành đạt khoảng 809 nghìn m3/ngđ (tăng 494.150 m3/ngđ so với năm 2010) và khoảng 40 nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 1,6 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đạt khoảng 12% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh (tính theo công suất thiết kế) và khoảng gần 10% (tính theo công suất vận hành thực tế).

Quản lý chất thải rắn

Tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị của Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 12,8 triệu tấn năm 2004 lên mức 20 triệu tấn vào năm 2015 trong đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38 nghìn tấn/ngày, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp khoảng 7 triệu tấn/năm. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt khoảng 85% (tăng 0,5% so với năm 2014, tăng 3% so với năm 2010).

Hiện có 55/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, đây là cơ sở quan trọng để lập dự án và thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn.

Chiếu sáng đô thị

Các đô thị trên cả nước hiện nay đều có điện chiếu sáng. Tại các đô thị đặc biệt và loại I phải đạt 95 - 100% các tuyến đường chính được chiếu sáng, đô thị loại II, III tỷ lệ chiếm khoảng 90%, các đô thị loại IV, V tập trung chiếu sáng đường phố chính, các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị. Tuy nhiên hiệu suất, cường độ, độ rọi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hiện hành. Tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng còn thấp; Chiếu sáng cây xanh, mặt nước, công trình kiến trúc còn diễn ra tự phát. Các thiết bị chiếu sáng tại hầu hết các đô thị với hiệu suất, tuổi thọ còn thấp chưa áp dụng được khoa học tiên tiến cho nên việc tiêu hao điện năng tương đối lớn.

Dù còn những tồn tại, bất cập trong quá trình đô thị hóa ở nước ta, song với những kết quả đã đạt được sau 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, sau 30 năm đổi mới và đặc biệt là sau 15 năm đầu của thế kỷ XXI đã cho thấy rõ sự khởi sắc của diện mạo đô thị Việt Nam, với sự đóng góp và nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu người lao động, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư… ngành Xây dựng trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đem niềm vui đến mọi nhà nhân dịp Xuân Bính Thân 2016.

PGS.TS Lưu Đức Hải
Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.