Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có kết quả kiểm tra xử lý về tình trạng "đất vàng” sử dụng không đúng mục đích. Theo đó, tính đến nay cả nước đã xử lý, thu hồi gần 20.000 ha "đất vàng” sử dụng không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phạt tiền chứ không đơn thuần chỉ thu hồi.
Nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích
Tại thành phố Hà Nội, qua kiểm tra, thành phố đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu "đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thu hồi 209 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 2.350ha; tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thu hồi 240ha; tại Thanh Hoá là 345ha.
Một cuộc khảo sát mới đây của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính hiện nay bình quân trên dưới 5%. Tuy nhiên phần lớn mặt bằng do các đơn vị này quản lý đều ở vị trí "đắc địa” nhưng sử dụng không hiệu quả. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án 233 mặt bằng của doanh nghiệp này, trong đó số mặt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 30%, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2%, số còn lại Nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà đất thành phố quản lý.
Nhìn vào diện tích "đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thì kết quả trên còn khiêm tốn so với thực tế, bởi một số địa phương còn thiếu kiên quyết trong việc thu hồi đất vì lo ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của địa phương và do khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, xử lý giá trị đã đầu tư trên đất.
Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, Luật Đất đai 2013 đã có chế tài mạnh buộc nhà đầu tư phải tính toán kỹ khi xin giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, Luật Đất đai lần này cho phép nhà đầu tư chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. "Tuy nhiên nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất”-Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Quang, để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, gây lãng phí, Luật Đất đai 2013 quy định việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương. Theo đó, để được giao đất, cho thuê đất, Luật yêu cầu chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư và không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
T.Dương (Đại Đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.