Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khan hiếm nguồn vốn, do vậy các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nguồn tài chính mới nhằm duy trì cũng như kích thích sự tăng trưởng của thị trường thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).
Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập trên thị trường bất động sản (TTBĐS) thế giới đang phát triển nhanh chóng ở mức 23,8% trong giai đoạn 2009-2010. Riêng ở châu Á - Thái Bình Dương, giá trị hợp đồng tăng từ 12 tỷ USD tới 22,7 tỷ USD, và tại Mỹ, con số này tăng gấp 3 lần trong năm 2010 (từ 3,8 tỷ USD năm 2009 tới 11 tỷ USD năm 2010). Còn tại TTBĐS Việt Nam, mua bán và sáp nhập là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất (sau lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tài chính) trong năm 2010-2011 này về cả số lượng và giá trị các giao dịch.

Thời gian qua, chỉ riêng TTBĐS TP.HCM đã ghi nhận hàng loạt thương vụ mua bán chuyển nhượng dự án bất động sản. Đầu năm 2011, VinaLand thuộc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong dự án nhà ở quốc tế đang được xây dựng tại quận 9 - TP.HCM với giá 10,9 triệu USD. Hay quỹ đầu tư Vina Development Inc. (Hàn Quốc) bán phần vốn góp trong dự án căn hộ Blooming Park (quận 2 - TP.HCM) cho Quỹ Prudential Việt Nam (dự án được đổi tên thành Imperia An Phú có vốn đầu tư 120 triệu USD). Công ty CP Kinh Đô chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn góp trong Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, chủ đầu tư tòa cao ốc SJC Tower tại trung tâm TP.HCM cho một DN khác của Việt Nam. Mới đây nhất, Quỹ đầu tư JSM Indochina đã chuyển nhượng thành công dự án Peninsula với giá khoảng 11 triệu USD cho Công ty Sao Sáng Sài Gòn (một thành viên của Ngân hàng Nam Á). Dự án này là khu đất rộng hơn 7.400m2 trên đường Nguyễn Văn Hưởng - phường Thảo Điền, quận 2. Công ty Đầu tư địa ốc Khang An cũng vừa chấp thuận chuyển nhượng 80% vốn góp dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho Dacin Holdings (Singapore) khi mà trước đó, Khang An nắm 60% vốn góp của dự án này, và tháng 7/2011 mua lại phần vốn góp của Công ty Vạn Phát Hưng, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 90% và cuối cùng quyết định chuyển nhượng 80% cho Dacin Holdings. Và còn rất nhiều dự án khác đã đổi chủ trong gần 2 năm qua.

Thực tế cho thấy, lý do của các hoạt động chuyển nhượng từ phía chủ đầu tư - bên chuyển nhượng có thể do khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng; tái cấu trúc danh mục đầu tư; khả năng bị thu hồi giấy phép do dự án bị trì hoãn kéo dài; bán hoặc giảm phần nắm giữ những bất động sản không thuộc hoạt động kinh doanh cốt lõi để huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính của công ty… Trong khi đó, bên nhận chuyển nhượng qua M&A có thể tiếp cận các thương vụ khác, thông qua bên bán họ có thể mở rộng sang thị trường mới, từ liên doanh đến mua toàn bộ dự án… Thêm vào đó, theo thời gian, họ có cơ hội được hưởng lợi từ việc hoàn tất công tác đền bù giải tỏa và cơ sở hạ tầng của bên chuyển nhượng - điều này giúp bên mua tham gia vào thị trường nhanh chóng…

Ông Neil MacGregor - Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho biết: TTBĐS Việt Nam đang thực sự khan hiếm nguồn vốn, do vậy các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nguồn tài chính mới. Có khá nhiều lựa chọn giúp chủ đầu tư bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án mà không cần vay vốn từ ngân hàng. Những lựa chọn này bao gồm việc bán toàn bộ dự án cho bên thứ ba, tìm kiếm đối tác góp vốn, bán nhà ở với số lượng lớn, hoặc bán khu thương mại và văn phòng theo sàn. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam đang nắm giữ các quỹ đất lớn và có thể bán một phần cho các bên thứ cấp để huy động vốn xây dựng các dự án khác. Mặc dù thiếu hụt nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng là một bất lợi trong lĩnh vực bất động sản, song đây cũng là một giai đoạn có nhiều cơ hội chưa từng có cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiền mặt dồi dào tham gia vào các vụ mua bán chuyển nhượng. Do đó, dự kiến sẽ có nhiều hơn các thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra trong thời gian tới.

Theo ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc Savills Việt Nam, khi nguồn vốn khó khăn, lãi suất chưa có dấu hiệu giảm thì mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản sẽ phát triển mạnh và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong bối cảnh DN bất động sản gặp khó về tài chính, nhiều DN chọn giải pháp bán nhà với giá thấp, thậm chí là hòa hoặc lỗ vốn, nhưng cũng có DN lại chọn giải pháp chuyển nhượng dự án cho các DN trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính mạnh hơn... Nhìn chung, đó là giải pháp để tồn tại và để tiến đến một TTBĐS trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn ./.
Theo Mỹ Ân (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.