Khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân- Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì sau 1 năm đưa vào hoạt động nhưng tới nay, số sinh viên tìm đến "an cư" chỉ là con số ít ỏi,,,

Để giải quyết “cơn khát” về nhà trọ cho sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô, vừa qua, Hà Nội đã xây dựng khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Với sức chứa lên tới 22.000 sinh viên, phòng ốc khang trang, giá thuê rẻ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đưa vào hoạt động, đến nay, số sinh viên tìm đến để là con số khá ít ỏi.

Tọa lạc trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2, dự án nhà ở cho sinh viên thuê ở Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp có 6 tòa nhà, sức chứa lên tới 22.000 sinh viên. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà đã được đưa vào sử dụng, có sức chứa tương đương 10.800 sinh viên. Mỗi căn phòng ở đây có diện tích 56,9m², được trang bị đầy đủ tiện nghi như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng...

Với mức giá thuê cho sinh viên là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước), quy định mỗi phòng 8 sinh viên, rõ ràng đây là điều kiện rất tốt cho sinh viên trong bối cảnh các căn phòng cho thuê ở ngoài chật chội, điều kiện sống kém hơn mà giá lại cao từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/phòng. Thế nhưng tại sao từ khi đưa vào sử dụng đến nay, lượng sinh viên vào đây ở lại rất hạn chế?

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp mới có khoảng 10% số phòng được thuê.

Có mặt ở khu nhà cho sinh viên thuê Pháp Vân - Tứ Hiệp, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy, lượng sinh viên vào đây ở còn rất thưa thớt. Những căn phòng đã có sinh viên vào ở thì ban công đều đã được sử dụng để phơi phóng, nhưng số lượng rất hạn chế. Đa phần còn lại đều đang còn mới nguyên, cửa kính đóng im ỉm.

Phạm Minh Tâm, sinh viên năm 3, Đại học Thăng Long đang thuê ở dự án này chia sẻ: “Giá thuê nhà ở đây có thể gọi là “siêu rẻ”. Nhóm 6 người chúng em cùng học 1 trường và trước cùng trọ ở 1 khu đã rủ nhau xuống đây thuê, vừa tiết kiệm được chi phí mà chỗ ở cũng sạch sẽ thoáng mát hơn. Tuy vậy, nhiều bạn không thích vào vì ở đây xa và cuộc sống không được tự do như ở ngoài”.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến sinh viên không muốn vào đây ở theo Phạm Minh Tâm là do đi lại bất tiện. Ở đây mới chỉ có 1 tuyến xe buýt số 60 chạy qua, với những bạn học trường Đại học Thăng Long vào đây ở thì tiện vì chỉ phải đi một tuyến xe buýt nhưng nhiều bạn trường khác thì phải chuyển nhiều tuyến. Đoàn Văn Quang (quê ở Ninh Bình, sinh viên năm thứ 4, Đại học Xây dựng) hiện đang thuê trọ trong ngõ Đồng Tâm gần trường chia sẻ: Từ trường Đại học Xây dựng xuống đến đó không xa. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện cá nhân thì đi lại rất bất tiện. Em phải đi 2 tuyến xe buýt, mà giờ em đi học lại rất đông, chuyển 2 tuyến xe buýt chắc muộn học. Thêm nữa, khu nhà đó đẹp nhưng lại biệt lập, nhiều quy định không hợp với sinh viên”, Quang cho hay.

Liên quan đến khu nhà ở cho sinh viên thuê tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, đại diện Phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa, Hà Nội cho biết: Sau khi khu nhà ở đi vào hoạt động, Trường cũng đã thông báo cho các sinh viên có nhu cầu đăng ký thuê nhà trọ tại đây. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 sinh viên đăng ký.

Qua nắm bắt tình hình cho thấy, điều khiến sinh viên không “mặn mà” với khu nhà trọ này chính là do giao thông không thuận tiện. Chỉ mới có 1 tuyến xe buýt đi qua đây, thời gian chờ xe buýt lại tương đối lâu.

Bên cạnh đó, mặc dù là một dự án với số lượng phòng trọ lớn nhưng sinh viên khi vào lại ở chung nhau, không được chia thành các khu riêng biệt. Một điều quan trọng nữa chính là việc nhà trường lại không thể quản lý được sinh viên của trường khi ở trọ ở đây bởi chưa có quy chế phối hợp giữa trường và Ban quản lý khu nhà ở.

Theo một đại diện Ban Quản lý khu nhà ở sinh viên Pháp Vân thì vẫn có sinh viên đăng ký tới ở, nhưng số lượng chưa đông. Hiện nay, số lượng sinh viên đến ở mới chỉ chiếm khoảng gần 10% công suất của khu nhà ở. Nguyên nhân chính là do giao thông không thuận lợi. Tính tới thời điểm này mới chỉ có 1 tuyến xe buýt đi vào khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tuy nhiên, giao thông không phải là vấn đề duy nhất dẫn đến việc dự án này chưa thu hút được sinh viên vào ở. Bài học từ KTX Mỹ Đình cũng đáng để xem xét.

Với sức chứa 7.000 chỗ, giao thông thuận tiện, lại rất gần các trường đại học lớn như: Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, Học viện Báo chí và tuyên tuyền… nhưng KTX này cũng có thời điểm không được sinh viên ưa chuộng. Tuy nhiên nhờ những thay đổi như tạo điều kiện cho các em sinh viên phải đi làm thêm ngoài giờ học và về muộn sau 23h, Ban quản lý yêu cầu sinh viên làm đơn, xem xét và cấp thẻ ra vào cho những sinh viên này sau 23h, niềm nở khi sinh viên đến giao dịch, đặt chỗ… mà đến nay lượng sinh viên vào ở tại KTX đã bắt đầu ổn định.

Trao đổi với TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứ hạ tầng và phát triển đô thị về việc một số dự án nhà ở cho sinh viên hiện nay chưa thu hút được sinh viên, ông cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết.

“Không thể nói việc quy hoạch nhà ở cho sinh viên như ở Pháp Vân - Tứ Hiệp là quá xa không thu hút được sinh viên và lãng phí. Theo tôi không thể nói là lãng phí được. Thực tế thì khoảng cách từ dự án này đến các trường Xây dựng, Bách khoa, Kinh tế quốc dân… chẳng đáng là bao nhiêu. Thêm nữa xây nhà cho sinh viên thuê thì phải đưa ra ngoài là tất yếu để giảm áp lực hạ tầng, đô thị cho khu vực trong nội đô. Mấy chục nghìn người mà lại để ở một khu nào đó trong nội đô nữa thì áp lực lên hạ tầng là quá lớn. Câu chuyện cốt lõi ở đây là anh xây nhà cho sinh viên thuê thì anh phải tính toán tới việc làm cách nào để thu hút được sinh viên, phải có môi trường sống theo kiểu của sinh viên. Cũng giống như các dự án nhà ở thương mại, nhà ở sinh viên cũng thế, nếu quá biệt lập, giao thông khó khăn thì chẳng ai muốn ở”, TS Phạm Sĩ Liêm nói.

Phan Hoạt - Nguyễn Hương (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.