Tính đến thời điểm hiện nay, hai dự án ký túc xá tập trung có quy mô lớn tại Mỹ Đình II và Pháp Vân đã chậm tiến độ so với yêu cầu hơn 1 năm. Nhiều hạng mục trong dự án nhà sinh viên tại Pháp Vân bị dừng thi công do thiếu vốn kéo dài dẫn đến chậm đưa dự án vào khai thác...

Người bảo vệ khu ký túc xá ở Pháp Vân đang chỉ nơi khu KTX bị bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Anh.

Dự án ì ạch, sinh viên mỏi mòn chờ đợi

Tại Khu đô thị Pháp Vân, ngoài 2 toà nhà A5 và A6 đã hoàn thiện cơ bản phần xây dựng và lắp đặt thiết bị, chuẩn bị bàn giao, còn lại gần chục toà nhà khác vẫn đang trong tình trạng hoàn thiện dở dang. Hầu hết các hạng mục bên ngoài căn hộ như sân vườn, tường rào vẫn chưa được triển khai.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong vào sáng 12/9, số lượng công nhân làm việc ở công trường rất ít, ở nhiều khu căn hộ dở dang việc thi công khá ì ạch. Nhà A1, A2, A3 đã hoàn thiện phần kết cấu, xây thô, trát trong và ngoài nhà.

Tại dự án nhà sinh viên ở khu Mỹ Đình II, đến nay vẫn chưa lắp xong hệ thống thiết bị thang máy, chưa hoàn thiện tầng hầm và tầng 1.

Đại diện nhiều trường đại học ở Hà Nội cho hay, tình trạng thiếu nhà ở cho sinh viên diễn ra hết sức trầm trọng kéo dài nhiều năm qua và cũng trông chờ nhiều vào quỹ nhà ở sinh viên tập trung quy mô lớn do thành phố xây dựng.

Hệ thống ký túc xá (KTX) ở Hà Nội hiện nay phần lớn được xây từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp và tình trạng thiếu KTX sinh viên đang gây sức ép lớn cho Hà Nội.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống KTX tại Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu của sinh viên. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đang rất trông chờ vào quỹ nhà từ hai dự án này để phần nào khắc phục khó khăn về nhà ở cho sinh viên của trường.

Lấy tiền đâu thúc tiến độ?

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả hai dự án nhà ở sinh viên đều được khởi công vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 và phải hoàn thành trong 20 tháng. Hai dự án nhà ở sinh viên tại Pháp Vân và Mỹ Đình II thiết kế hiện đại, đáp ứng chỗ ở cho hơn 29.396 sinh viên, trung bình từ 6 đến 8 sinh viên/phòng ở. Nguồn vốn được xác định là từ trái phiếu Chính phủ và vốn từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đến nay cả hai dự án này đều triển khai chậm do thiếu vốn trầm trọng.

Dự án nhà sinh viên tại Mỹ Đình II có tổng mức đầu tư là hơn 978 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn còn thiếu 220,4 tỷ đồng. Dự án nhà sinh viên tại Pháp Vân có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.843,6 tỷ đồng (không bao gồm hạng mục nhà A4) nhưng vẫn còn thiếu hàng trăm tỷ đồng. Tổng cộng cả hai dự án nêu trên theo tính toán của Sở Xây dựng Hà Nội sau khi điều chỉnh mức đầu tư còn thiếu tới 926,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, với 8 dự án KTX sinh viên trong khuôn viên các trường đại học tại Hà Nội cũng đang thiếu vốn trầm trọng. Tổng vốn trái phiếu Chính phủ dành cho 7 trường này còn thiếu để hoàn thành công trình là 245 tỷ đồng. Thiếu vốn kéo dài cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho các nhà thầu và đơn vị liên quan.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn trầm trọng kéo dài nêu trên và sớm đưa quỹ nhà sinh viên vào khai thác sử dụng hiệu quả, Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi hạng mục nhà A3 Pháp Vân từ nhà ở sinh viên sang nhà bán cho người thu nhập thấp Nếu giải quyết theo phương án này, dự kiến sẽ thu được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho các đơn vị thi công.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Sở này đang trao đổi với một số trường đại học để huy động vốn đầu tư từ các trường cho phần trang thiết bị rời bên trong căn hộ rồi sau đó trừ dần vào tiền cho thuê nhà. Đã có một số trường đại học chấp thuận phương án ứng vốn đầu tư cho thiết bị bên trong, chia sẻ khó khăn về vốn.

Cũng theo ông Tuấn, trước tình trạng không còn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cấp theo kế hoạch, thành phố Hà Nội đã quyết định thu xếp tiếp phần vốn còn thiếu để đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngay cuối năm 2013 một phần nhà ở sinh viên tại cả Mỹ Đình và Pháp Vân sẽ được bàn giao.

Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.