Kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động (tháng 9-2014), đã tạo cơn “sốt” đất ở thị trấn du lịch Sa Pa (Lào Cai). Lợi thế về du lịch và giao thông thuận lợi khiến cho nhiều nhà đầu tư và cư dân bản địa “đổ xô” vào xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng… để kinh doanh thu lợi. Vấn đề đặt ra với Sa Pa là làm sao vừa tạo thuận lợi trong cấp phép xây dựng, thu hút đầu tư; vừa bảo đảm tuân thủ chặt chẽ Qui hoạch đô thị Sa Pa đã được phê duyệt (do Cộng hòa Pháp giúp khảo sát.
Tốc độ xây dựng ở Sa Pa đang rất nhanh, nhằm đón thời cơ vàng kinh doanh du lịch tại đây, khi có đường cao tốc và cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng.
Tốc độ xây dựng ở Sa Pa đang rất nhanh, nhằm đón thời cơ vàng kinh doanh du lịch tại đây, khi có đường cao tốc và cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng.

Đất tăng giá chóng mặt

Chỉ sau hơn một năm, kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đi vào hoạt động, rút ngắn hành trình từ Hà Nội đến Sa Pa xuống bằng một nửa thời gian so với trước đó (khoảng 5 giờ), lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng đột biến. Trước thời điểm 21-9-2014 (khánh thành đường cao tốc), lượng du khách đến Sa Pa là hơn 600 nghìn lượt người, còn đến thời điểm này là khoảng 1,1 triệu lượt người, tăng gần 200%.

Trước đây, hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ chỉ kín khách vào các dịp nghỉ lễ dài ngày như 30-4 và 1-5, lễ quốc khánh 2-9, dịp tết dương lịch..., nhưng từ cuối năm 2014 đến nay luôn luôn đông khách. Mùa hè năm 2015, các khách sạn, nhà nghỉ luôn kín phòng, bất kể ngày nào; còn chuẩn bị bước vào mùa đông, các khách sạn chất lượng cao, nằm ở khu trung tâm như Hoàng Gia, Châu Long, Victoria, Gren Bamboo… cũng đã kín khách đặt trước hàng tháng. “Sa Pa hiện nay, ngày nào, mùa nào cũng có khách; khác hẳn trước đây chỉ có khách vào mấy tháng mùa hè, còn thì hầu như vắng khách”- bà Phạm Thị Lan, một phụ nữ khá cao tuổi, là chủ một khách sạn nhỏ ở phố Cầu Mây (thị trấn Sa Pa) cho biết.

Nắm bắt thời cơ “vàng”, các nhà đầu tư từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… “đổ” lên Sa Pa mua đất xây khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở vui chơi giải trí… khiến giá đất tăng chóng mặt. Theo khảo sát của phóng viên, đất Sa Pa hiện được phân theo các mức giá theo các khu vực khác nhau. Khu vực từ đầu thị trấn đến ranh giới cổng chào vào nội thị có giá rẻ nhất, tính theo mét mặt đường; khu vực đồi cao xung quanh ga cáp treo lên Phan Xi Păng có giá bán theo lô và khoảnh đất; đắt nhất là khu vực nhà thờ, phố cổ và xung quanh khu hồ mới Xuân Viên, ở đây giá bán tính theo mét vuông.

Cụ thể hơn, giá đất giao dịch ngoài thị trường cao nhất là ở khu Cầu Mây và chợ cũ, khoảng 150 triệu đồng/mét vuông; thứ nhì là khu bờ hồ Xuân Viên, khoảng 25 triệu đồng/mét vuông, kế đến là khu chợ mới, khoảng 17 triệu đồng/mét vuông; thấp nhất là khu đầu thị trấn (nông trường cũ) và khu km 3, khoảng 10 triệu đồng/mét vuông.

Tuân thủ qui hoạch để phát triển Sa Pa bền vững

Cán bộ Đội Qui tắc đô thị thường xuyên kiểm tra hiện trường các công trình xây dựng để bảo đảm tuân thủ Qui chế đô thị Sa Pa đã công bố.

Vào thời điểm mùa khô như hiện nay, thị trấn Sa Pa sôi động như một đại công trường, bởi tốc độ xây dựng gia tăng, đặc biệt là dân cư ở các tuyến phố. Nhiều gia đình đạp bỏ nhà cũ để xây mới làm phòng nghỉ đón khách du lịch. Nhiều chủ đầu tư ở nơi khác mua đất Sa Pa để đó, giờ thấy cơ hội thuận lợi cũng nhanh chóng “đổ tiền” vào xây khách sạn, nhà nghỉ để kinh doanh kiếm lời. Theo ông Đinh Tuấn Hưng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sa Pa, từ đầu năm đến nay đã cấp 127 giấy phép xây dựng, tăng gấp ba lần so với năm 2014.

Vấn đề đặt ra với Sa Pa hiện nay là làm sao vừa cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, rút ngắn thời gian, công sức cho người dân, nhà đầu tư đồng thời vừa bảo đảm tuân thủ qui hoạch đô thị Sa Pa đã được phê duyệt, do Cộng hòa Pháp giúp khảo sát, qui hoạch, có chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, để thực hiện được như trên, huyện siết chặt quản lý xây dựng ngay từ khi thẩm định hồ sơ cấp phép và tăng cường hậu kiểm sau cấp phép, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm qui chế đô thị Sa Pa. Theo đó, Phòng hạ tầng cử cán bộ soát xét, thẩm định kỹ hồ sơ xin cấp phép của hộ dân, bảo đảm đúng, đủ, rõ ràng trước khi trình lãnh đạo ký duyệt. Bên cạnh đó, huyện tổ chức Đội Quản lý qui tắc đô thị trực thuộc UBND huyện, thường xuyên kiểm tra, tuần soát việc xây dựng tuân theo giấy phép và qui chế đô thị đã công bố từ năm 2012. Nhờ siết chặt quản lý, kiểm soát từ gốc trong lĩnh vực xây dựng đô thị nên đã ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp vi phạm, phải xử lý hành chính, đình chỉ xây dựng hoặc tháo dỡ công trình.

Tuy nhiên, do tốc độ dân số tăng cơ học cao, một số tiêu chí của Qui chế đô thị Sa Pa còn bất cập, như về mật độ xây dựng và khoảng lùi ranh giới các phía lô đất ở khu vực dải đô thị dọc chân núi Hàm Rồng và khu đường Thạch Sơn còn chưa phù hợp với thực tế. Điều này cần được lãnh đạo huyện Sa Pa và cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, xử lý cho thỏa đáng, phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Quốc Hồng (Báo Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.